Duy Thu chuyển biến mạnh mẽ
Gần 6 năm qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, diện mạo nông thôn ở xã Duy Thu (Duy Xuyên) ngày càng khởi sắc…
Nỗ lực phát triển kinh tế
Ông Tăng Trung – Phó ban nông nghiệp xã Duy Thu cho biết, mỗi vụ nông dân địa phương sản xuất 157ha lúa. Mặc dù đất canh tác manh mún, khó triển khai dồn điền đổi thửa do địa hình bậc thang nhưng nhờ nhà nông chọn lọc các loại giống có chất lượng tốt và ứng dụng bài bản quy trình kỹ thuật nên những năm gần đây liên tục được mùa. Thống kê cho thấy, năm 2016 này năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 57 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2010 trở về trước. Theo ông Trung, điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế nông nghiệp của Duy Thu là thời gian qua chú trọng phát triển mô hình trồng tiêu trên đất gò đồi. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ dân tham gia trồng tiêu với tổng diện tích hơn 6ha, tập trung chủ yếu ở thôn Thạnh Xuyên. Ông Trung nói: “Năm nay, nhờ chủ động trong công tác chống hạn và phòng trừ dịch hại nên năng suất tiêu đạt 3,2 tấn/ha. Nếu bán theo giá thị trường 1kg là 180 nghìn đồng thì với chừng đó diện tích nông dân thu về gần 3,5 tỷ đồng, đó là chưa kể nguồn thu nhập từ việc trồng xen canh các loại cây khác như gừng, chè dưới tán hồ tiêu”.
Nhiều mô hình trồng tiêu chuyên canh ở xã Duy Thu mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tập trung hỗ trợ người dân phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi gia súc với tổng đàn hiện nay là 1.700 con, trong đó bò gần 900 con và tỷ lệ bò lai chiếm 90%. Riêng tại thôn Tĩnh Yên đã có nhiều gia đình xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo, hàng năm mỗi hộ lãi ròng 20 - 40 triệu đồng. Được biết, nếu năm 2011 giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của xã chỉ đạt 37,3 tỷ đồng thì năm 2016 đạt ít nhất 47 tỷ đồng.
Những năm qua, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Duy Thu cũng có bước phát triển vượt bậc. Theo đó, địa phương đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất như Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, Công ty CP Thăng Hoa, Công ty TNHH Khai thác và chế biến đá Duy Thu… bước đầu giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập 2,8 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo ước tính, năm nay tổng giá trị sản xuất của ngành này đạt khoảng 139 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cách đây 5 năm.
Xây dựng hạ tầng thiết yếu
Đến nay, Duy Thu đã hoàn thành 8 tiêu chí gồm quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, chợ nông thôn, bưu điện, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự. Gần 6 năm qua, xã huy động hơn 27 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình này, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ xấp xỉ 23 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng (chưa kể việc hiến đất, dỡ bỏ tường rào cổng ngõ và góp ngày công lao động), còn lại là từ các nguồn khác. Được biết, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 20 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 10,8%, giảm 22,8% so với cách đây 5 năm… |
Suốt 2 tháng nay, xã Duy Thu tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiến hành nâng cấp, mở rộng tuyến giao thông huyết mạch đi qua trung tâm xã có chiều dài 1.230m, rộng 13,5m với tổng kinh phí đầu tư 7,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều đáng nói, hơn 100 hộ dân sống dọc hai bên đường đã tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường rào cổng ngõ để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công. Ông Phan Thế Kế - cán bộ địa chính xã cho biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua địa phương đã bê tông hóa được 14,5km giao thông nông thôn, tập trung ở 4 thôn gồm Phú Đa 1, Phú Đa 2, Tĩnh Yên, Thạnh Xuyên. Ông Kế chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã yêu cầu các thôn phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận dụng sáng tạo quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo minh bạch các khoản thu chi. Từ đó, người dân thấy việc xây dựng hạ tầng giao thông mang lại lợi ích thiết thực cho chính gia đình mình và cộng đồng thì sẽ tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để làm những con đường kiên cố, thoáng đãng, sạch sẽ nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Cùng với đó, Duy Thu còn tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây mới một số phòng học ở các trường mẫu giáo và THCS Nguyễn Khuyến. Ngoài ra, xây dựng nhiều hạng mục của chợ Phú Đa như khu bán hàng, sân đường nội bộ, nhà vệ sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 150 hộ tiểu thương kinh doanh và giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, Trạm Y tế xã cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Ông Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Việc đầu tư thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu bước đầu đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định xây dựng NTM không chỉ dành toàn bộ các kênh vốn thi công hết công trình này đến công trình nọ mà còn phải chú trọng đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ cây con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân phát triển mạnh sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống”.
HOÀI NHI