Tiếp sức cho nông thôn mới
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Nam Giang đã tạo nên sự đồng thuận, có sức lan tỏa trong cộng đồng, người dân địa phương cùng quyết tâm nỗ lực sớm “cán đích”.
Điểm sáng Ta Bhing
Được đánh giá là địa phương điển hình của huyện Nam Giang với nhiều cách làm hay trong xây dựng NTM, xã Ta Bhing nay đã đạt 14/19 tiêu chí. Trên con đường bê tông dài gần 5km mới được đầu tư xây dựng, ông Zơrâm Ngôl (làng Pà Xua) cứ đi đi lại lại với nét mặt đầy phấn khởi. Ông Ngôl cho hay, kể từ khi con đường bê tông được đầu tư xây dựng, đồng bào địa phương đã có điều kiện đi lại, không còn lo đến chuyện mưa lũ hàng năm. “Có đường mới, người dân chúng tôi ai cũng rất mừng. Bởi, không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, lên nương rẫy, trao đổi hàng hóa giữa các vùng lân cận, mà còn giúp các cháu học sinh đến trường an toàn” - ông Ngôl tâm sự. Còn ông Alăng Thành chia sẻ, từ chủ trương vận động của chính quyền địa phương về chương trình xây dựng NTM, nhận thấy điều này mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống người dân, đồng bào địa phương đã đồng thuận góp công sức, đất đai, vườn tược để thực hiện. Nhờ vậy, đến nay nhiều tiêu chí được hoàn thành và phát huy hiệu quả thiết thực.
Nhiều cơ sở trường học ở Nam Giang được đầu tư mới từ nguồn vốn chương trình NTM. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Cùng với việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ phát triển kinh tế, chính quyền xã Ta Bhing còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là ưu tiên xây dựng, nâng cấp trường học, trạm y tế xã. Trước nhu cầu bức thiết trong việc khám chữa bệnh của người dân địa phương, từ nguồn vốn của chương trình NTM, xã Ta Bhing đã đầu tư xây dựng trạm y tế khang trang, có nhiều phòng ốc với thiết bị hiện đại. Một người dân địa phương cho hay, trước đây do cơ sở cũ xuống cấp khiến việc bảo quản thuốc men không tốt, hiệu quả khám bệnh chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nay Trạm Y tế xã được đầu tư mới, việc khám chữa bệnh cho người dân thuận lợi, hiệu quả và nhanh chóng hơn, giảm tình trạng chuyển bệnh lên tuyến trên. Thực hiện chương trình xây dựng NTM cũng đã giúp Ta Bhing hoàn thành và xóa dần nhiều trường học tạm bợ, hướng đến mục tiêu chuẩn hóa trong giáo dục. “Ngoài sự quan tâm đầu tư của nhà nước, chúng tôi cũng nhận được sự chung tay góp sức rất lớn từ người dân địa phương. Bởi chính họ đã hiến đất xây dựng trường học, tạo thuận lợi trong quá trình thi công. Tại các điểm trường thôn, đồng bào đã cùng chung tay với nhà trường xây dựng tường rào, cổng ngõ theo quy định, đảm bảo nơi học tập của con em vùng cao” - thầy giáo Ating Tó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ta Bhing chia sẻ.
Cùng tiếp sức
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương chung tay xây dựng NTM, địa phương chú trọng sử dụng các nguồn vốn đầu tư theo hướng đồng bộ, tránh tình trạng dàn trải không đem lại hiệu quả. Đến nay, ngoài xã Ta Bhing đã đạt 14/19 tiêu chí, nhiều địa phương khác trong huyện cũng đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành đạt mức 5 tiêu chí trở lên. Qua 5 năm triển khai, nhiều cán bộ và người dân vùng cao Nam Giang đã dần nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, từ đó tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Ngày càng có nhiều hộ tình nguyện hiến đất ở, đất vườn, hoa màu cho địa phương xây dựng các công trình dân sinh ý nghĩa. “Chương trình xây dựng NTM ở Nam Giang đã càng nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương. Khi dân chủ ở cơ sở được nâng cao hơn, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Từ đó, phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM” - ông Chương nói.
Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo sự khởi sắc cho bộ mặt nông thôn miền núi, giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3 - 5%. Điều đáng mừng là người dân địa phương đã nhận thức rõ được lợi ích của chương trình và tham gia tích cực, ít đòi hỏi quyền lợi cá nhân, giúp giải quyết nhanh công tác giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của NTM. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình NTM ở Nam Giang cũng gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư; năng lực trình độ cán bộ phụ trách NTM ở các xã còn nhiều hạn chế, lúng túng trong phương pháp, quy trình thực hiện công việc. Ngoài ra, vẫn còn một số địa phương triển khai chương trình NTM còn chậm, chưa quyết liệt, kết quả chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, công tác chỉ đạo của các cấp, ngành trong huyện chưa sâu sát, việc triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM và đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập chưa đồng bộ; việc xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí hàng năm chưa cụ thể. “Tỉnh, trung ương cần bố trí ngân sách phù hợp để địa phương thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, giao thông, thiết chế văn hóa… để địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí NTM, đảm bảo nâng cao cuộc sống người miền núi” - ông Mai kiến nghị.
ALĂNG NGƯỚC