Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

NHÃ PHƯƠNG 05/09/2016 09:40

Những năm gần đây, huyện Duy Xuyên tích cực giúp nông dân chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang canh tác một số loại cây trồng cạn chủ lực nhằm nâng cao giá trị kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới…

Ông Lưu Văn Bền ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) có 4 sào đất lúa. Do số diện tích đó chủ yếu là đất cát pha ven núi và thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nước tưới nên hàng chục năm nay vụ nào năng suất lúa cũng đạt thấp. Hè thu 2016 này, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, chính quyền địa phương tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ hạt giống và một số khâu khác nên ông Bền chuyển toàn bộ 4 sào đất lúa ấy sang trồng giống bắp lai mới CP333 có khả năng chịu hạn tốt, cho sản lượng cao. Nhìn những đám bắp trĩu trái đã chín vàng ươm, ông Bền hồ hởi: “Giống bắp lai này có thời gian sinh trưởng 95 ngày, từ đầu đến cuối vụ mặc dù nắng nóng kéo dài trên diện rộng nhưng hầu hết ruộng bắp của tôi đều phát triển tốt. Đặc biệt, qua theo dõi cho thấy cây bắp rất ít bị nhiễm các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm như sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu đục quả, bệnh khô vằn, thối thân. Nhờ trái to, dài và hạt chắc rất nhiều nên hè thu năm nay mỗi sào sẽ thu về không dưới 300kg bắp khô. Với năng suất vừa nêu, nếu bán hạt bắp khô theo mức thu mua trên thị trường hiện giờ là 6.500 đồng/kg thì 1 sào đạt giá trị gần 2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng hơn 1,4 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước đây gieo sạ lúa”.

Nông dân Duy Xuyên rất phấn khởi vì mô hình trồng bắp lai trên đất lúa cho giá trị kinh tế cao.
Nông dân Duy Xuyên rất phấn khởi vì mô hình trồng bắp lai trên đất lúa cho giá trị kinh tế cao.

Ông Võ Văn Quang – Phó trạm Khuyến nông & khuyến lâm huyện Duy Xuyên cho biết, vụ hè thu 2016 các đơn vị liên quan hỗ trợ hơn 50 hộ dân ở địa phương này triển khai sản xuất trình diễn 5ha bắp lai CP333 trên những chân đất lúa. Ông Quang chia sẻ: “Theo đánh giá trên đồng ruộng, bình quân 1ha bắp lai CP333 cho năng suất 65 tạ hạt khô, quy ra giá trị đạt hơn 42,2 triệu đồng. Trong khi đó, hồi trước sản xuất lúa thì 1ha nhà nông chỉ thu được 28,5 triệu đồng. Không chỉ hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, mô hình chuyển đổi này còn tiết kiệm 50 - 60% lượng nước tưới, đây được xem là phương thức canh tác phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp do ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu”.

Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, những năm qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương tích cực thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhất là ở những khu vực thường bấp bênh nước tưới. Theo ông Năm, riêng năm 2016 này toàn huyện đã chuyển 156ha đất lúa sang canh tác một số loại cây trồng cạn chủ lực theo hướng luân canh, xen canh, gối vụ mang lại hiệu quả cao gấp 2 - 5 lần so với trồng lúa. Ông Năm nói: “Hiện nay, mỗi vụ nông dân Duy Xuyên gieo sạ 3.800ha lúa. Theo đề án đã được phê duyệt thì từ nay đến năm 2020 huyện sẽ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế để hỗ trợ nhà nông chuyển khoảng 1.000 - 1.300ha đất lúa sang canh tác các loại rau đậu và cây công nghiệp ngắn ngày. Cùng với đó, tập trung thực hiện phương thức liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo đầu ra ổn định cho những mặt hàng nông sản”.

NHÃ PHƯƠNG

NHÃ PHƯƠNG