Bình Phú quyết tâm về đích sớm
Qua hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Bình Phú, Thăng Bình đã đạt được 17 trong tổng số 19 tiêu chí. Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2017 Bình Phú mới hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia này, nhưng với sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, địa phương quyết tâm về đích sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Giải “bài toán” tăng thu nhập
Khoảng 9 năm trước, người dân ở một số xã thuộc vùng tây Thăng Bình rầm rộ đưa cây cao su về trồng trên những khu vực gò đồi, sườn núi với hy vọng loại “vàng trắng” này sẽ nâng cao nguồn thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Bình Phú có 62ha cao su tiểu điền do nhân dân trồng tự phát ven hồ chứa nước Phước Hà. Thời điểm đó, địa phương xem cây cao su là thế mạnh trong phát triển nông - lâm nghiệp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chất lượng và sản lượng mủ cao su ở vùng này cao hơn so với nhiều nơi khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, mủ cao su liên tục rớt giá rồi gió bão thường xuyên xảy ra khiến người dân không còn mặn mà với việc đầu tư mở rộng diện tích trồng cao su, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay, Bình Phú có tổng cộng 1.336 hộ dân, trong đó hơn 65% chủ yếu sống dựa vào kinh tế lâm nghiệp. Thống kê cho thấy, tính đến giữa tháng 8.2016 toàn xã có hơn 800ha đất chuyên trồng keo lá tràm, bình quân hàng năm 1 hộ dân thu về 30 - 50 triệu đồng từ mô hình sản xuất này. Ông Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã cho biết, mỗi năm Bình Phú trồng luân canh 90 - 100ha keo lá tràm nên một lượng lớn lao động tại địa phương được giải quyết việc làm ổn định với mức thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày.
Trồng rừng nguyên liệu tập trung, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập cao. Ảnh: N.PHƯƠNG |
Cách đây không lâu, Công ty May Thúy Trang quyết định đầu tư xây dựng xưởng may gia công tại Bình Phú và vừa chính thức đi vào hoạt động. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp này đã thu hút hơn 100 lao động trên địa bàn xã. Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất, công ty dự kiến sẽ tuyển thêm 500 lao động. Ông Trương Kim Đông cho rằng, sự xuất hiện của Công ty May Thúy Trang không chỉ là cơ hội rất tốt để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn tạo động lực cho những loại hình dịch vụ phát triển mạnh. Ông Đông nói: “Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong phát triển nông - lâm nghiệp và chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn nên những năm qua đời sống của nhân dân Bình Phú chuyển biến tích cực. Nếu năm 2013 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 12 triệu đồng thì bây giờ tăng lên 28,5 triệu đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 4,5%, giảm 19,5% so với 3 năm trước. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng đối với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Bình Phú”.
Quyết tâm về đích sớm
Ngày 14.3.2013, Bình Phú chính thức phát động xây dựng xã NTM. Thời điểm đó, địa phương chỉ đạt 5 trong tổng số 19 tiêu chí do Trung ương quy định. Ông Lê Văn Thôi - Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú cho biết, để chương trình này mang lại thành công, ngoài việc khẩn trương thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã và ban phát triển ở các thôn trên địa bàn thì Bình Phú cũng đặc biệt quan tâm đến khâu tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các tầng lớp nhân dân. Ông Thôi chia sẻ: “Nhờ nắm bắt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên những năm qua đại bộ phận nhân dân Bình Phú tích cực đóng góp công sức, tiền của để cùng với cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể lần lượt hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, đáng mừng nhất là người dân tự nguyện hiến rất nhiều diện tích đất, vật kiến trúc và tham gia hàng trăm ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp hàng loạt tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Đồng thời tạo đòn bẩy cho địa phương phát triển mạnh kinh tế - xã hội”.
Theo ông Trương Kim Đông, hơn 3 năm nay bằng nhiều nguồn vốn huy động Bình Phú đã đầu tư gần 20,6 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách các cấp là 18,2 tỷ đồng, còn lại xấp xỉ 2,4 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Ông Đông nói: “Với số tiền ấy, chúng tôi tập trung hỗ trợ người dân phát triển mạnh các ngành nghề nông thôn và những mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp. Đồng thời thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng, nước sinh hoạt… Qua đánh giá mới đây thì Bình Phú đã hoàn thành 17 trong tổng số 19 tiêu chí. Cán bộ, nhân dân địa phương hạ quyết tâm đạt 2 tiêu chí còn lại là môi trường và hệ thống chính trị vào cuối năm nay để về đích trước một năm so với lộ trình đặt ra”.
NHÃ PHƯƠNG - GIANG BIÊN