Hướng mở từ mô hình trồng nấm

NHÃ PHƯƠNG - GIANG BIÊN 13/07/2016 08:09

Khoảng 4 năm trở lại đây nhiều hộ dân xã Bình Trị (huyện Thăng Bình) mạnh dạn đầu tư để hình thành các mô hình sản xuất nấm theo phương thức hàng hóa. Nhờ hướng đi này mà không ít gia đình ở vùng đất khó này có nguồn thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo…

NHƯ bao chàng trai ở địa phương, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Hải Sơn (thôn Việt Sơn, xã Bình Trị) cũng khăn gói vào Nam để tìm kế sinh nhai. Lăn lộn một thời gian dài nhưng cuộc sống của Sơn cứ luôn chật vật. Năm 2014, về thăm quê và dạo chơi ở một số vùng, thấy nhiều người khá lên từ nghề sản xuất nấm rơm nên Sơn quyết định hồi hương rồi chọn mô hình này làm hướng phát triển kinh tế. Sau khi nắm vững kỹ thuật cũng như tìm hiểu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, Sơn tận dụng 3 sào đất trống của gia đình và đầu tư hơn 20 triệu đồng để mở trang trại trồng nấm. Vượt qua những khó khăn ban đầu, giờ đây mỗi tháng Sơn thu 25 - 30 triệu đồng tiền lãi từ trang trại nấm rơm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương. “Nhờ tạo được một số đầu mối lớn ở chợ Nam Phước (Duy Xuyên) nên 2 năm qua toàn bộ lượng nấm rơm của trang trại tôi đều được tiêu thụ. Tôi vừa đi tham quan những mô hình trồng nấm linh chi tại các tỉnh phía Bắc và đang tiến hành thuê 4 sào đất của người dân trong vùng để đầu tư thêm trang trại sản xuất nấm linh chi nhằm nâng cao thu nhập” - Sơn chia sẻ.

Ngày 12.5.2013, Bình Trị phát động xây dựng nông thôn mới. Nhằm thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia này, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và tích cực hỗ trợ nhiều khâu để nhân dân có điều kiện hình thành các mô hình sản xuất mang tính hàng hóa, trong đó nghề làm nấm rơm là một trong những hướng phát triển chủ lực. Ông Lê Viết Mãnh - Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, những năm gần đây chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình và Trung tâm Dạy nghề - hỗ trợ nông dân tỉnh mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm cho rất nhiều hộ dân trên địa bàn. Cùng với đó, các cấp hội, đoàn thể luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận dễ dàng với những kênh vốn ưu đãi.

Theo thống kê, thời gian qua nông dân Bình Trị đã được các đơn vị liên quan giải quyết cho vay gần 20 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ, trong đó chủ yếu là đầu tư xây dựng mới trang trại hoặc mở rộng quy mô sản xuất nấm rơm. Ông Mãnh nói: “Đến nay, toàn xã có gần 100 hộ chuyên trồng nấm rơm. Nhờ thị trường tiêu thụ mạnh, đầu ra của sản phẩm khá ổn định nên hầu hết mô hình đều đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi tháng một hộ trồng nấm thu lãi 25 - 30 triệu đồng. Hiện các mô hình sản xuất nấm rơm này giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là hướng đi hết sức phù hợp đối với vùng đất còn nhiều khó khăn như Bình Trị”.

NHÃ PHƯƠNG - GIANG BIÊN

NHÃ PHƯƠNG - GIANG BIÊN