Xây dựng nông thôn mới ở Điện Bàn: Nâng cao chất lượng

NGUYỄN SỰ 25/03/2016 09:37

Những năm qua, Điện Bàn đã tạo được bước đột phá trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều thành quả rất đáng tự hào.

Nỗ lực

Ông Phan Minh Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, địa phương gặp phải không ít trở lực. Bởi, Điện Bàn nằm ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn với địa hình trũng thấp nên thường gánh chịu nhiều đợt bão lũ khiến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư để giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn cũng gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, nhu cầu về nguồn kinh phí để thực hiện chương trình khá lớn nhưng vốn ngân sách cân đối, bố trí hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của địa phương…

Tuổi trẻ Điện Bàn xung kích xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: N.S
Tuổi trẻ Điện Bàn xung kích xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: N.S

Theo ông Dũng, mặc dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức nhưng nhờ tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là phát huy tối đa sức mạnh nội lực nên những năm gần đây Điện Bàn đã thực hiện hiệu quả nhiều đề án mang tính thúc đẩy sản xuất phát triển và hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội như đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng - con vật nuôi, phát triển giao thông nông thôn - giao thông nội đồng, kiên cố hóa trường học, bê tông hóa kênh mương loại 3, thủy lợi hóa đất màu, xóa nhà tạm cho gia đình chính sách và hộ nghèo, phát triển văn hóa – thể dục thể thao… Những thành công từ các đề án quan trọng đó đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trên tiến trình xây dựng NTM ở địa phương. “Sau khi trở thành thị xã, Điện Bàn có tổng cộng 20 xã, phường. Trong số đó có 13 xã triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nhờ tập trung mọi nỗ lực nên trong 2 năm 2014 - 2015, Điện Bàn đã có 10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn gồm Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phước, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam. Theo khảo sát, đánh giá thì hiện nay 3 xã còn lại gồm Điện Tiến, Điện Minh, Điện Phương cũng đã đạt bình quân hơn 14 tiêu chí/xã và tất cả đã đăng ký với UBND tỉnh là sẽ cán đích trong năm nay” - ông Dũng nói.

Tính chuyện lâu dài

Theo ông Nguyễn Đức Chơi, từ năm 2011 – 2015, bằng nhiều nguồn vốn huy động địa phương đã chi gần 1.257 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình xấp xỉ 208 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 351 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 155 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 412 tỷ đồng, vốn ngân sách xã 55 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 130 tỷ đồng… Ngoài ra, vận động nhân dân đóng góp hơn 10 nghìn ngày công lao động, hiến ít nhất 300.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương và di dời hàng nghìn mét tường rào kiên cố, bán kiên cố để mở rộng đường giao thông...
Được biết, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở các xã xây dựng NTM của Điện Bàn đạt hơn 26,6 triệu đồng, tăng 11,9 triệu đồng so với năm 2011. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã còn 3,63%, giảm 6,11% so với năm 2010.

Tuy đã đạt được những thành quả rất lớn nhưng ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho rằng đó mới chỉ là thành công bước đầu, bởi xây dựng mô hình NTM là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi cả cộng đồng phải chung tay góp sức. Ông Chơi cho biết, đối với 3 xã chưa đạt chuẩn thì từ nay đến cuối năm 2016 phải tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt và tập trung đầu tư hoàn thành những tiêu chí chưa đạt, phấn đấu cán đích theo đúng lộ trình đặt ra. Còn đối với 10 xã đã đạt chuẩn trong 2 năm 2014 - 2015, ngành liên quan ở thị xã và chính quyền các địa phương đã lập kế hoạch cụ thể nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí đã đạt theo đề cương hướng dẫn của cấp trên.

Theo ông Phan Minh Dũng, để duy trì mô hình NTM một cách bền vững, thời gian tới địa phương sẽ tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò hoạt động của hệ thống lãnh đạo, điều hành trong quá trình thực hiện chương trình và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thi đua xây dựng NTM. Đồng thời huy động tốt các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và nguồn lực của địa phương để xây dựng hạ tầng thiết yếu. Về giải pháp cụ thể, ông Dũng cho rằng Điện Bàn phải thực hiện tốt quy chế quản lý quy hoạch, quy hoạch NTM khớp nối với quy hoạch đô thị và tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng các quy hoạch khác như vùng chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao theo đề án phát triển sản xuất... Đặc biệt, dốc sức xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng nâng cấp các công trình hiện có và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học... trên địa bàn các xã NTM. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng việc đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ