Duy Trinh chuyển mình mạnh mẽ

26/01/2016 08:28

Phát huy bài học lấy dân làm gốc, tận dụng nền tảng cơ sở hạ tầng, đề ra cách làm sáng tạo, hiệu quả nên chỉ sau chưa đầy 4 năm xây dựng nông thôn mới, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) đã thực hiện thành công.Chú trọng phát triển kinh tếNhững ngày này, nông dân Duy Trinh đang tập trung tỉa dặm, bón phân cho 200ha lúa đông xuân. Ông Đoàn Công Vân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua nhờ địa phương thực hiện bài bản nhiều khâu trong quá trình canh tác nên năng suất lúa tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010 năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ ở mức 55 tạ/ha thì nay đạt 65 tạ/ha. Đặc biệt, những năm gần đây nhờ tích cực dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng nên Duy Trinh đã xây dựng được 4 cánh đồng kỹ thuật với diện tích hơn 50ha, tập trung chủ yếu tại các thôn Phú Bông, Thi Lai, Đông Yên. Chính quyền địa phương dồn mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kênh tưới liên hoàn, giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc tưới tiêu, chăm sóc, vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp ra ruộng và đưa nông sản sau thu hoạch về nhà.Duy Trinh chú trọng phát triển mạnh các làng nghề truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HOÀI NHINếu cây lúa đảm bảo vấn đề an ninh lương thực tại chỗ thì toàn bộ 137ha đất màu đã giúp người dân Duy Trinh có nguồn thu nhập khá. Theo ông Vân, để tiếp sức cho nhà nông, thời gian qua địa phương đã kéo 22km đường dây điện, lắp đặt hơn 160 công tơ, thi công hệ thống đường ống dẫn nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho số diện tích đất màu vừa nêu. “Nhờ bài toán thủy lợi cơ bản được hóa giải nên 4 năm trở lại đây nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí hiệu quả việc luân canh, xen canh, gối vụ các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Thực tế cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha đất sản xuất theo phương thức này mang lại mức lãi ròng 110-130 triệu đồng. Đây thực sự là lối mở giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Vân chia sẻ.Bên cạnh việc chú trọng phát triển mạnh lĩnh vực trồng trọt, chính quyền và nhân dân Duy Trinh cũng chọn chăn nuôi làm khâu mũi nhọn để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò lai theo hướng thâm canh và bán thâm canh. Theo thống kê mới nhất, tính đến gần cuối tháng 1.2016 toàn xã có khoảng 100 mô hình chăn nuôi bò lai với quy mô vừa và lớn cùng hàng chục gia trại, trang trại nuôi gà, vịt, heo siêu nạc… bình quân mỗi mô hình nhà nông thu lãi 50 - 100 triệu đồng/năm.Cùng với nông nghiệp, từ năm 2012 đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Duy Trinh cũng hết sức nhộn nhịp. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, điểm nổi bật nhất là địa phương tích cực phối hợp với các ngành liên quan của huyện Duy Xuyên tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Sedo Vinako (Hàn Quốc) đầu tư hơn 110 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và từng bước mở rộng quy mô sản xuất với một số mặt hàng chủ lực như dụng cụ cắm trại, đồ chơi, túi xách. Ông Chiến nói: “Hiện nay, doanh nghiệp này đang tạo việc làm ổn định cho gần 3.000 lao động của địa phương và các vùng lân cận với mức lương trung bình hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã năm 2015 đạt gần 385 tỷ đồng”.Nâng cấp mạng lưới hạ tầngGần 4 năm qua Duy Trinh đã huy động hơn 52 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách nhà nước đầu tư, vốn lồng ghép và doanh nghiệp hỗ trợ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5%, giảm 11,1% so với cách đây 4 năm.Về Duy Trinh vào những ngày giáp Tết Bính Thân, ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất mà cách đây 5 năm vẫn còn lạc hậu. Cụ ông Xa Tấn Đích năm nay đã ngoài 70 tuổi ở thôn Thi Lai bộc bạch: “Từ khi xây dựng nông thôn mới, tôi thấy làng quê mình thay đổi chóng mặt. Đường làng ngõ xóm không những rộng rãi mà còn sạch tinh tươm. Nông sản làm ra với số lượng lớn được thương lái đánh ô tô tải về tận nơi thu mua. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao”. Thật vậy, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn đã đưa những con đường làng lầy lội, ổ trâu, ổ gà đi vào hoài niệm. Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2015, trong tổng số 45,3km đường liên xã, liên thôn, liên xóm thì địa phương đã kiên cố hóa được hơn 90%. Đáng chú ý là, trong quá trình thi công, nhân dân Duy Trinh đã tự nguyện hiến hơn 15.000m2 đất ở, dỡ bỏ 3.550m tường rào, cổng ngõ mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Cần nói thêm, nhờ nỗ lực đầu tư nên hiện nay hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp do xã quản lý đã được bê tông hóa với tổng chiều dài 6,7km, đạt tỷ lệ 86%.Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, trên địa bàn Duy Trinh đang có 10 trạm biến áp được bố trí đều khắp các khu dân cư, đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của 100% hộ dân. Thời gian qua, 3 trường học gồm mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở được quan tâm tu sửa, nâng cấp và hiện giờ đều đã đạt chuẩn quốc gia. Không chỉ vậy, trạm y tế xã cũng được xây dựng kiên cố với quy mô 2 tầng, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Bên cạnh đó, địa phương có 1.779 nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, chiếm tỷ lệ 96,5%. Hiện tại, xã đang tích cực vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ nhân dân sửa chữa, xây dựng mới các nhà ở xuống cấp.HOÀI NHI