Nông thôn mới ở vùng biên
Đường sá khang trang, gươl mới xây dựng, sửa chữa còn thơm mùi cỏ tranh, những ngôi nhà thẳng tắp... Đặc biệt, mỗi nhà đều được đánh số và tên gia chủ. Đó là điểm sáng trong việc xây dựng nông thôn mới tại xã biên giới A tiêng, huyện Tây Giang.
Nép mình bên dòng A Vương, sau lưng là đồi A Đí, thôn Tà Vàng, xã A tiêng đẹp hiền hòa trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Mọi người đến đây không khỏi ngạc nhiên khi thấy mỗi nhà đều được đánh số thứ tự, bên dưới có tên của chủ hộ. Anh Alăng Nheeng, người đàn ông có vóc dáng nhỏ gọn, khuôn mặt sạm đen là trưởng thôn Tà Vàng, tự hào cho biết cả thôn có 74 hộ với 273 nhân khẩu, từ đầu năm 2012, thôn Tà Vàng đã triển khai đánh số nhà cho từng gia đình. Số nhà được khắc trên một tấm nhựa, bên trên có địa chỉ thôn, xã và bên dưới cùng là tên của chủ hộ, chính giữa là số nhà.
Cụ Bríu Thị Bonh (SN 1944) chiều chiều lại ra đứng trước gươl của thôn Tà Vàng và không khỏi xúc động khi nói về việc xây dựng nông thôn mới. Cụ Bonh chia sẻ cuộc đời bà đã gắn liền với mảnh đất A tiêng nhưng chưa bao giờ bà thấy xã A Tiêng nói chung, thôn Tà Vàng của bà nói riêng lại khang trang, sạch đẹp như lúc bắt đầu xây dựng nông thôn mới đến nay. “Đặc biệt là gươl của thôn Tà Vàng, nhiều lần người dân trong thôn đã góp sức làm gươl nhưng gươl lần này được xây dựng nhờ hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới vẫn đẹp và hoành tráng hơn. Cả làng đã cùng nhau góp công sức sau hơn 2 tháng mới xây dựng được gươl này đó” - với vốn tiếng Việt khiêm tốn, giọng nói chậm rãi, bà Bonh tỏ ra tự hào.
Người dân A Tiêng đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới. |
Ông Lê Trung Thủy, Chủ tịch UBND xã A Tiêng, cho biết trên địa bàn xã ngoài thôn Tà Vàng còn có thôn Aching cũng thực hiện việc đánh số thí điểm số nhà. Việc đánh số nhà không chỉ thực hiện chủ trương nông thôn mới mà còn giúp dễ dàng trong việc quản lý hộ nghèo, chủ hộ của các gia đình trên địa bàn. Số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, mỗi khi có thay đổi về chủ hộ thì chỉ cần chỉnh sửa thông tin chứ số nhà vẫn không đổi.
Điều đáng mừng là từ năm 2011, năm bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân xã biên giới A Tiêng luôn tán đồng, ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương này. “Ngoài việc thuận lợi trong việc triển khai đánh dấu số nhà, người dân trong thôn Tà Vàng còn tích cực trong việc làm cái gươl của thôn. Đó là một trong những gươl đẹp nhất của xã đấy. Nếu không có sự đồng thuận của người dân trong phong trào nông thôn mới thì chắc địa phương khó lòng đạt được những mục tiêu đề ra” - ông Thủy cho biết thêm. Theo ông Thủy thì cũng như Tà Vàng, đến nay 6/6 thôn của xã A Tiêng đã có xây dựng gươl, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân. Mặc dù kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chỉ khoảng 40 triệu đồng, trong khi kinh phí xây dựng gươl 300 - 400 triệu đồng, song người dân vẫn sẵn sàng hưởng ứng.
Xã A tiêng là 1 trong 8 xã biên giới của huyện Tây Giang có hơn 700 hộ với khoảng 2.700 nhân khẩu. Qua rà soát, đánh giá của các cơ quan chức năng, đến nay xã A tiêng đạt được 12 tiêu chí/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012-2015, nhân dân trong xã đã đóng góp bằng hoa màu, đất đai, vật kiến trúc trên đất để thực hiện việc làm các mặt bằng, sắp xếp bố trí dân cư và xây dựng các công trình khác quy ra tiền khoảng 17 tỷ đồng; đồng thời nhân dân đã giúp đỡ nhau hàng nghìn ngày công lao động trong công tác tháo dỡ, di dời nhà cửa để ổn định cuộc sống, làm ăn phát triển kinh tế. Với sự chung tay, góp sức của người dân trong xây dựng nông thôn mới, A tiêng đang phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu thành xã nông thôn mới.
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết huyện có tổng cộng 10 xã với số dân khoảng 18.000 người, phần lớn là đồng bào Cơ Tu và phấn đấu đến năm 2020 huyện Tây Giang sẽ đạt được danh hiệu là huyện nông thôn mới, trong khi tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu chỉ cần 5/10 xã của huyện Tây Giang đạt được nông thôn mới vào năm 2020. Tây Giang có đường biên giới dài 67km với huyện Kà Lừm và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào. Với điểm sáng là xã nông thôn mới A Nông, đạt được 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2014, và là một trong 10 xã điểm của tỉnh được công nhận hoàn thành chương trình nông thôn mới, Tây Giang tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đề ra. Điểm khó trong việc xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang là làm sao vừa phát triển đủ các tiêu chí của nông thôn mới vừa đảm bảo gìn giữ hài hòa bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hiểu được điều đó nên lãnh đạo huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trong việc xây dựng nông thôn mới đi liền với việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Đến nay thì 70 thôn trên địa bàn 10 xã của huyện đều có gươl, nơi sinh hoạt cộng đồng truyền thống. Gươl được làm bằng cột gỗ, mái bằng lá tranh hay lá cọ theo đúng nét truyền thống của đồng bào Cơ Tu. “Với đặc thù là một huyện biên giới nhiều khó khăn, song nhờ sự đồng thuận của người dân địa phương nên chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới và đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc hơn” - ông Mia không giấu niềm tự hào, chia sẻ.
NGỌC THI