Thành quả từ sức mạnh tổng hợp

NGUYỄN SỰ 16/12/2015 09:09

Hôm nay 16.12, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Có được thành quả to lớn này là nhờ địa phương đã phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân - “lấy dân làm gốc”.

Một góc thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn. Ảnh: VĂN SỰ
Một góc thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn. Ảnh: VĂN SỰ

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Trương Trung Thành - Bí thư Đảng ủy xã nói rằng, khi được chọn là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Quế Sơn, lãnh đạo địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Theo ông Thành, ngày 10.8.2011, khi phát động xây dựng mô hình nông thôn mới, Quế Xuân 1 chỉ đạt 5 tiêu chí. Qua 5 năm nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều khâu, đến ngày 18.11.2015 địa phương được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn tại Quyết định số 4458/QĐ-UBND.

Tạo đột phá cho nông nghiệp

Năm năm qua, tổng nguồn kinh phí Quế Xuân 1 huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gần 61 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư thi công hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24,3 triệu đồng, tăng 15,3 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%, giảm 14% so với cách đây 4 năm. Được biết, năm 2015 cả 9 thôn của xã đều được công nhận thôn văn hóa, hơn 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa…

Giữa tháng 12 này, dạo khắp các cánh đồng của xã Quế Xuân 1, đâu cũng thấy nhà nông khẩn trương ra quân làm đất, chuẩn bị gieo trồng vụ đông xuân. Ông Đoàn Tài ở thôn Dưỡng Xuân cho hay, 3 năm nay cùng với việc gieo sạ 2 sào lúa thương phẩm, ông còn liên kết với doanh nghiệp sản xuất hơn 2 sào giống lúa lai Nhị ưu 838, mỗi vụ thu về gần 6 triệu đồng tiền lãi, cao gấp 3 lần so với làm thóc thịt. Ông Tài hồ hởi nói: “Từ khi người dân trong làng thực hiện mô hình sản xuất giống lúa hàng hóa, tôi thấy ai ra đồng cũng vui vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, chẳng phải lo cảnh được mùa mất giá”.

Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn 9 thôn canh tác 315ha lúa. Nếu năm 2010 trở về trước năng suất bình quân toàn xã chỉ đạt 58 tạ/ha thì bây giờ đã tăng lên 65 tạ/ha. Nhờ tích cực triển khai dồn điền đổi thửa, thời gian qua xã đã xây dựng được 6 cánh đồng mẫu, tập trung ở các thôn Thạnh Mỹ, Dưỡng Mông Tây, Xuân Phú, Dưỡng Mông Đông, Trung Vĩnh, Dưỡng Xuân. Ông Thành nói: “Ngay sau khi chỉnh trang đồng ruộng, địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng trên những cánh đồng mẫu. Bên cạnh đó, chú trọng việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất mỗi vụ 120ha giống lúa lai và 133ha giống lúa thuần theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm. Từ khi sản xuất giống lúa hàng hóa, hằng vụ nhà nông lãi ròng 40 - 55 triệu đồng/ha”. Những năm gần đây, địa phương cũng nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước về việc đẩy mạnh hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp người dân có điều kiện mua sắm 14 máy gặt đập liên hợp và 24 máy cày loại lớn giải phóng sức lao động, giảm chi phí trong khâu làm đất, thu hoạch.

 Mở rộng, nâng cấp tuyến đường chính ở thôn Thạnh Hòa, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn.
Mở rộng, nâng cấp tuyến đường chính ở thôn Thạnh Hòa, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn.

Từ năm 2011 đến nay, Quế Xuân 1 còn triển khai tốt các đề án phát triển sản xuất, trong đó nổi bật nhất là năm 2012 địa phương trích 270 triệu đồng mua 17 con bò giống lai sind trao cho những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Qua kiểm tra, hầu hết hộ dân nhận bò đều chăn nuôi tốt, góp phần cải thiện cuộc sống. Từ thành công ấy, năm 2015 này xã quyết định hỗ trợ thêm 3 con bò giống trị giá 50 triệu đồng cho các hộ nghèo làm sinh kế. Mặt khác, xã cũng thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn ở huyện tổ chức nhiều khóa tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho đông đảo người dân. Nhờ vậy, Quế Xuân 1 đã hình thành cả trăm mô hình chăn nuôi heo hướng nạc, bò thâm canh, gà thả vườn, vịt chuyên trứng… mỗi năm cho mức lãi 60 - 80 triệu đồng/mô hình.

Dấu ấn công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Phát huy bài học  “lấy dân làm gốc”

Bây giờ, về vùng quê Quế Xuân 1, những con đường đất năm xưa đã được bê tông hóa. Ông Nguyễn Thế Quang - Chủ tịch UBND xã cho biết, đến cuối năm 2015, trong tổng số 64,5km đường liên xã, liên thôn, liên xóm, địa phương đã kiên cố hóa gần 95%. Điều đáng nói, trong quá trình thi công, nhân dân đã tự nguyện hiến 5.000m2 đất và dỡ bỏ 300 tường rào, cổng ngõ. “Thành công có được là nhờ chúng tôi phát huy bài học “lấy dân làm gốc”, thực hiện triệt để quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân” - ông Quang chia sẻ. Bên cạnh đó, hiện nay toàn bộ 3 trường học trên địa bàn Quế Xuân 1 đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhà sinh hoạt văn hóa, khu thể thao ở cả 9 thôn cũng được đầu tư thi công, trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế. Trung tâm Văn hóa - thể thao xã cũng vừa được xây dựng khang trang với hội trường có sức chứa hơn 200 chỗ ngồi, 6 phòng chức năng và khu thể thao diện tích quy hoạch lên đến 7.000m2. Từ năm 2011 đến nay, chính quyền địa phương huy động sự chung tay của toàn xã hội hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 70 nhà ở cho người có công và 75 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn xã lên 95%...

Qua khỏi cổng chào thôn Dưỡng Mông Tây, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc hết sức khẩn trương của các cơ sở mộc dân dụng nằm sát hai bên trục đường chính. Theo thống kê sơ bộ, toàn thôn hiện có 12 cơ sở mộc dân dụng, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động, với mức thu nhập 180 - 220 nghìn đồng/người/ngày. Được biết, 5 năm qua, để duy trì và phát triển những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chính quyền xã Quế Xuân 1 đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 15 lớp đào tạo nghề sửa chữa cơ khí nông cụ, mây tre đan, mộc dân dụng, may mặc… thu hút gần 600 học viên tham gia. Theo khảo sát, sau khi hoàn thành khóa học có ít nhất 70% số học viên tìm được việc làm ổn định ở các công ty, xí nghiệp. Một số khác tận dụng các khoản vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư mở cơ sở tiểu thủ công nghiệp, vừa làm giàu cho bản thân vừa giúp địa phương giải quyết bài toán việc làm cho lao động nông thôn.

Phát huy lợi thế nằm gần các tuyến giao thông trọng yếu, mặt bằng rộng thoáng, những năm qua Quế Xuân 1 luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư. Trong đó, ngành may mặc đang đóng vai trò cốt yếu trong tổng thể bức tranh kinh tế của xã. Ông Nguyễn Thế Quang - Chủ tịch UBND xã cho hay, trên địa bàn hiện có 3 cơ sở may mặc hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 450 lao động với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đây được xem là động lực lớn góp phần đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương 5 năm qua đạt hơn 256 tỷ đồng, chiếm 42,5% giá trị toàn ngành kinh tế. Ông Quang nói: “Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có sức bật mạnh mẽ là nhờ chính quyền địa phương đưa ra các quyết sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế và linh hoạt, nhạy bén trong thu hút doanh nghiệp về nông thôn. Thành công đó sẽ là tiền đề quan trọng để Quế Xuân 1 tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong thời gian tới”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ