"Nước rút" nông thôn mới

PHẠM LỘC 08/10/2015 08:35

Kết quả kiểm tra, đánh giá của đoàn thẩm định các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh cho thấy, Điện Bàn có thêm 7 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Giữa năm 2015, xã Điện Thọ còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, thủy lợi, trường học và chợ. Đây là những tiêu chí khó, cần có nguồn kinh phí lớn. Theo ông Trần Công Luyến - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, địa phương đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ xã đến thôn, khơi dậy sự đồng lòng, chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng với sự hỗ trợ từ cấp trên để thực hiện cú “nước rút” trong giai đoạn về đích xã NTM. Sau nhiều năm miệt mài “vun đắp”, Điện Thọ đã huy động hơn 103 tỷ đồng xây dựng trên 60km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; kiên cố hóa hơn 24km kênh mương thủy lợi; làm hơn 5km đường dây điện trung và hạ thế đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 700ha diện tích sản xuất lúa và màu. Cạnh đó, địa phương đã huy động sự hưởng ứng của nhân dân, tự nguyện hiến trên 25.000m2 đất, gần 10 nghìn ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Điện Thọ cũng tập trung chăm lo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi kết hợp công tác cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa hình thành nên cánh đồng chuyên canh, triển khai cánh đồng mẫu lớn ở 2 thôn Đông Hòa và La Trung với diện tích trên 90ha. Mỗi năm, các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất 100 - 150ha lúa giống đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Các cơ sở chế biến nông sản, mây tre, may mặc, cơ khí, mộc… được đầu tư phát triển, mở rộng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa thu nhập bình quân của người dân đạt trên 24 triệu đồng/năm (tăng hơn 15 triệu đồng/năm so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%.

Dù xuất phát điểm khá thấp, nhưng với quyết tâm, 3 xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam đã lựa chọn hướng đi phù hợp bằng việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh khâu quán triệt tại các cuộc họp, hội nghị, các địa phương vận động nhân dân hưởng ứng tham gia xây dựng NTM dưới nhiều hình thức. Mục đích để cán bộ và người dân trong xã hiểu và phát huy nội lực thực hiện chương trình. Sự đồng thuận của người dân là điều kiện và cơ hội thuận lợi để hôm nay 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, ở Điện Bàn còn đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa với nhiều cánh đồng mẫu chuyên sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Điện Phước là ví dụ tiêu biểu. Một vị lãnh đạo xã chia sẻ, địa phương đã chọn công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn làm khâu đột phá trong quá trình xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ diện tích 40ha tại thôn La Hòa, địa phương hiện dồn đổi được gần 140ha đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Cạnh đó, xã cũng đã đầu tư gần 120 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh.

Nhằm tạo điều kiện cho các xã về đích trong năm 2015, ngoài kinh phí của trung ương, tỉnh và thị xã hỗ trợ, trong 5 năm qua, Điện Bàn còn lồng ghép từ nhiều nguồn khác với số tiền hàng trăm tỷ đồng bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng chương trình thủy lợi hóa đất màu, cải tạo. Đồng thời tiến hành nâng cấp trường học, xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa, khu thể thao, cải tạo các chợ nông thôn…

PHẠM LỘC

PHẠM LỘC