Xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng: Nhiều vướng mắc
Cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ngành liên quan và chính quyền các địa phương thuộc khu vực đồng bằng để bàn biện pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu chỉ đạo tại phiên họp vào cuối tuần qua. Ảnh: VĂN SỰ |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu, để việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại kết quả cao, các địa phương cần tập trung bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã đủ mạnh nhằm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo các xã thuộc diện về đích trong năm nay đẩy nhanh việc thi công các danh mục công trình đã phân bổ vốn, đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí NTM theo đúng tiến độ.
Vốn… chờ công trình
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 8.2015 trong số 108 xã ở khu vực đồng bằng thì đã có 106 xã hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch. Hiện nay, số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân trên một xã là 13,3 tiêu chí, tăng 9,34 tiêu chí so với năm 2010. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy trong thời gian qua việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này vẫn còn bộc lộ không ít bất cập, nhất là vấn đề giải ngân vốn.
Cần đẩy nhanh thi công các danh mục công trình Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, để việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại kết quả cao, nhất là đối với 46 xã trên toàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn vào cuối năm 2015 thì các ngành, các cấp phải tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp. Theo đó, cần tập trung bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã đủ mạnh nhằm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo các xã thuộc diện về đích trong năm nay khẩn trương đẩy nhanh việc thi công các danh mục công trình đã phân bổ vốn, đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí NTM theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, phải hết sức lưu ý trong vấn đề giám sát sử dụng nguồn vốn và hoàn thành thủ tục thanh toán, quyết toán theo đúng quy định hiện hành. Đồng chí Đinh Văn Thu cũng yêu cầu chính quyền các địa phương nhanh chóng rà soát, bổ sung các đề án phát triển sản xuất, bởi đây được xem là một trong những khâu quan trọng trên tiến trình xây dựng NTM theo hướng bền vững… |
Theo tìm hiểu, đến ngày 31.8.2015 có 7 danh mục công trình (tổng nguồn vốn hơn 1,4 tỷ đồng) thuộc ngân sách tỉnh phân bổ để thực hiện chương trình NTM năm 2015 chưa giao dịch với Kho bạc Nhà nước nên tỷ lệ giải ngân là 0%. Cụ thể, TP.Hội An có 3 danh mục công trình gồm cứng hóa giao thông nội đồng ở xã Cẩm Hà và bê tông hóa giao thông nông thôn ở xã Cẩm Thanh được UBND tỉnh phân bổ 308 triệu đồng tại Quyết định số 238/QĐ-UBND (ngày 21.1.2015) nhưng tới cuối tháng 8 vẫn chưa đụng đến. Nguyên do được đưa ra là chưa có mã số dự án nên chưa nhập dự toán. Tương tự, tại Quyết định số 2127/QĐ-UBND (ngày 17.6.2015) UBND tỉnh cũng cấp cho TP.Tam Kỳ 850 triệu đồng để thực hiện việc xây dựng khu thể thao xã Tam Thăng, khu thể thao xã Tam Ngọc và thủy lợi hóa đất màu ở 2 thôn Kim Thành, Kim Đới thuộc xã Tam Thăng nhưng đến ngày 31.8.2015 số tiền vừa nêu cũng chưa được sử dụng. Nguyên nhân là UBND TP.Tam Kỳ không phân bổ vốn cho xã Tam Thăng và Tam Ngọc xây dựng khu thể thao. Còn đối với việc thi công hệ thống thủy lợi hóa đất màu ở thôn Kim Thành và Kim Đới bị chậm trễ là do UBND xã Tam Thăng chưa lập đủ hồ sơ để giao dịch, giải ngân vốn. Được biết, đến ngày 8.9 vừa qua UBND TP.Tam Kỳ đã cho phép giải ngân vốn của 3 danh mục công trình nêu trên, đây là việc làm không tuân theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3167/UBND-KTTH (ngày 17.7.2015). Bởi, trong Công văn số 3167, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã nêu rõ: “Đến ngày 1.9.2015 đối với các dự án được giao kế hoạch vốn từ đầu năm 2015 và sau 60 ngày (kể từ ngày ban hành quyết định) đối với các dự án được giao kế hoạch vốn bổ sung mà chưa có hồ sơ giao dịch với Kho bạc Nhà nước (tỷ lệ giải ngân 0%) thì không được phép giải ngân. Kho bạc Nhà nước các cấp chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách gửi cơ quan kế hoạch - đầu tư để báo cáo, tham mưu UBND các cấp cắt giảm, điều chuyển cho những dự án đã có khối lượng mà thiếu vốn”.
Cần đẩy mạnh tiến độ thi công những danh mục công trình đã phân bổ vốn. Ảnh: VĂN SỰ |
Đâu chỉ vốn đầu tư phát triển từ nguồn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh mà cả vốn sự nghiệp do ngân sách trung ương cấp cũng rất chậm giải ngân. Theo các cơ quan có trách nhiệm, năm 2015 ngân sách trung ương phân bổ cho 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực đồng bằng của tỉnh tổng cộng 9,2 tỷ đồng. Thế nhưng, đến ngày 8.9.2015 các địa phương mới chỉ giải ngân được hơn 3,4 tỷ đồng, đạt 37,8%. Trong đó, nhiều nơi có tỷ lệ giải ngân rất thấp như Quế Sơn 4,5%, Phú Ninh 5,6%, Duy Xuyên 8,4%, Tam Kỳ 17,8%, Điện Bàn 19,4%, Núi Thành 29,5%...
Còn nhiều bất cập
Theo lãnh đạo UBND xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành), thời gian qua địa phương gặp không ít khó khăn trong xây dựng NTM vì chưa có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này. Ông Lê Muộn cho biết, ngoài Tam Xuân 2 thì hiện nay tại huyện Phú Ninh và Núi Thành vẫn còn 10 xã khác chưa bố trí được cán bộ chuyên trách NTM. “Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh hôm 24.6 thì trước ngày 20.7.2015 các địa phương phải thành lập, bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức chuyên trách của văn phòng điều phối NTM cấp huyện và cán bộ chuyên trách NTM cấp xã theo quy định tại Quyết định số 1420/QĐ-UBND (ngày 21.4.2015) của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tới giờ này một số địa phương vẫn chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai thực hiện chương trình ở cấp xã và cấp huyện” - ông Muộn nói.
Thời gian tới, phải tập trung rà soát, bổ sung các đề án phát triển sản xuất. |
Ngoài việc thiếu cán bộ chuyên trách NTM thì thời gian qua khâu lập và phê duyệt đề án phát triển sản xuất tại một số xã vẫn còn chậm do thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc của cấp huyện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 108 xã ở các địa phương thuộc khu vực đồng bằng thì đến gần giữa tháng 9.2015 mới có 98 xã phê duyệt đề án phát triển sản xuất, còn lại 10 xã chưa hoàn thành công tác này thuộc 2 địa phương là huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Rõ ràng, việc chậm trễ trong khâu lập và phê duyệt đề án phát triển sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình xây dựng NTM, nhất là đối với vấn đề quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn cũng như phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh việc liên doanh liên kết. Ngoài ra, thời gian qua công tác đánh giá, thẩm tra các tiêu chí NTM cũng còn chậm so với kế hoạch. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3316/UBND-KTN (ngày 28.7.2015) thì trong tháng 9 này những đơn vị liên quan sẽ tiến hành thẩm định tại các xã Bình Quý, Bình An (Thăng Bình), Tam Mỹ Đông (Núi Thành), Đại Cường (Đại Lộc). Thế nhưng, hiện nay 4 xã vừa nêu vẫn chưa nộp hồ sơ, thủ tục đề nghị tỉnh thẩm định…
Tại cuộc họp giữa Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu với lãnh đạo các ngành liên quan và chính quyền các địa phương ở khu vực đồng bằng, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng những biện pháp hữu hiệu để cả cộng đồng tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - môi trường cần sớm quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí về môi trường ở khu vực nông thôn, vì hiện nay rất nhiều người dân phản ánh là chưa đạt chuẩn tiêu chí này theo quy định. Theo ông Lê Muộn, ngay từ bây giờ UBND cấp huyện phải tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các thành viên đoàn thẩm tra huyện khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các xã nằm trong diện về đích năm 2015 đánh giá đối với những tiêu chí đã đạt chuẩn, hoàn chỉnh hồ sơ gửi huyện thẩm tra và trình tỉnh thẩm định. Ông Muộn cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Tam Kỳ, Hội An, Tiên Phước kiểm điểm, giải trình rõ nguyên nhân những danh mục công trình đã được phân bổ nguồn vốn từ chương trình NTM nhưng đến ngày 31.8.2015 vẫn chưa thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước. Theo ông Muộn, trong trường hợp các công trình đã được triển khai hoặc đã đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công thì kiến nghị UBND tỉnh thống nhất cho phép được tiếp tục giải ngân. Còn trường hợp không đảm bảo điều kiện để triển khai thi công trong tháng 9.2015 thì đề nghị điều chuyển nguồn vốn đó cho các công trình khác đã có khối lượng thực hiện theo nội dung Thông báo số 398/TB-UBND (ngày 8.9.2015) của UBND tỉnh.
NGUYỄN SỰ