Chuyển đổi cây trồng ở Thăng Bình
Vụ hè thu 2015 này, nông dân ở một số địa phương của huyện Thăng Bình đã chuyển ruộng lúa sản xuất không hiệu quả sang canh tác bắp lai nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đây là một trong những hướng mở để nhà nông phát triển mạnh kinh tế hộ, góp phần xây dựng nông thôn mới…
Ông Võ Văn Nghi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư cho biết, được sự tiếp sức của Trung tâm Chuyển giao công nghệ - khuyến nông trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vụ hè thu 2015 đơn vị phối hợp cùng ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 100% lượng giống, một phần vật tư đầu vào cho 180 hộ dân ở 3 xã Bình An, Bình Quý, Bình Định Nam triển khai canh tác khảo nghiệm giống bắp lai CP333 trên 600 sào đất lúa không chủ động nước tưới. Mới đây, tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá về hiệu quả mô hình chuyển đổi này, bà Nguyễn Thị Bích Lợi – Phó phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư tỉnh nhận xét: “Từ đầu vụ đến nay, mặc dù thời tiết tại các vùng sản xuất trình diễn ở Thăng Bình diễn biến hết sức phức tạp nhưng hầu hết ruộng bắp lai CP333 đều phát triển rất tốt trên những chân đất lúa. Qua theo dõi cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống bắp lai này khoảng 95 ngày, thuộc nhóm giống chín sớm, phù hợp với điều kiện canh tác, cơ cấu giống và thời vụ của Quảng Nam”. Theo bà Lợi và nhiều nông dân tham gia mô hình khảo nghiệm tại 3 xã vừa nêu, giống bắp lai CP333 có chiều cao cây vừa phải, trạng thái cây gọn, góc lá trung bình, màu lá xanh, hạt đóng mút đầu quả. Ngoài việc có khả năng chịu hạn khá và không bị đổ ngã, ruộng bắp lai CP333 cũng ít bị sâu đục quả, sâu ăn lá, bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ… gây hại hơn so với những ruộng bắp lai khác gieo trồng cùng vùng sinh thái.
Ông Võ Văn Nghi thông tin thêm, qua số liệu thống kê mới nhất tại các xã Bình Định Nam, Bình An, Bình Quý, vụ hè thu này năng suất bắp bình quân của các mô hình trình diễn đạt khoảng 74 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, 1ha bắp lai CP333 khảo nghiệm mang lại cho nông dân mức lãi ròng gần 22 triệu đồng, cao hơn 11 triệu đồng so với trước đây họ sản xuất lúa. Theo ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ngoài việc giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng mạnh thì mô hình trồng bắp lai trên đất lúa còn giúp ngành thủy lợi và nhà nông tiết kiệm được một lượng nước tưới rất lớn, bởi thực tế cho thấy nhu cầu về nguồn nước tưới của cây bắp lai chỉ bằng 1/3 so với cây lúa. Ông Hương nói: “Có thể khẳng định rằng, thành công của mô hình này đã mở ra một hướng mới trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Thăng Bình, vì hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn hàng loạt diện tích đất lúa không chủ động nước tưới sản xuất rất kém hiệu quả. Thời gian tới, nếu ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung nhân rộng phương thức canh tác ấy một cách bài bản thì chắc chắn nguồn thu nhập của nông dân sẽ tăng lên, qua đó góp phần cải thiện cuộc sống và tạo động lực thúc đẩy tam nông phát triển bền vững. Đây cũng được xem là một trong những phương án ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu toàn cầu”.
MAI LINH