Phát huy vai trò chủ thể
Thời gian qua, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã tự nguyện dỡ bỏ tường rào cổng ngõ, hiến đất mở đường và nỗ lực bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Hiến đất
Khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, nhiều địa phương ở Duy Xuyên chọn tiêu chí giao thông làm khâu đột phá nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng muốn có con đường rộng thoáng, đáp ứng nhu cầu thì đòi hỏi mỗi người dân phải hiến đất mở đường. Ông Lê Sao (thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa) cho biết, sau khi nắm bắt được chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, gia đình ông đã noi gương và vận động mọi người dân hiến đất. Ông Sao chia sẻ: “Khi thi công tuyến đường chính của thôn có chiều dài 1.200m, rộng 6m, tôi tự nguyện hiến 150m2 đất vườn, đập bỏ tường rào di dời vào trong và xây dựng lại tốn hết 30 triệu đồng. Tôi còn đi vận động các hộ xung quanh cùng chung sức thực hiện sớm hoàn thành con đường để đưa vào sử dụng”.
Nông dân thị trấn Nam Phước ra quân triệt phá cây mai dương. Ảnh: H.NHI |
Bây giờ về Duy Xuyên, nghe kể chuyện nông dân hiến đất, mở đường xây dựng NTM đã trở thành niềm tự hào của nhiều người. Dẫu biết rằng mỗi mét vuông đất ở đều có giá trị lớn song họ vẫn không hề tính toán thiệt hơn. Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên cho biết, hưởng ứng phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 5 năm qua hội viên toàn huyện đã tự nguyện hiến hơn 50.000m2 đất, đóng góp 19 tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công lao động để đổ bê tông 112km đường liên xã, liên thôn, liên xóm. Đồng thời kiên cố hóa 68km kênh mương các loại cùng nhiều công trình phục vụ sản xuất và văn hóa, góp phần tạo diện mạo NTM. Ông Công chia sẻ, bê tông hóa giao thông nông thôn là nguyện vọng chung của hội viên nông dân, bởi qua đó sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, buôn bán và đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Thực tiễn cho thấy, mỗi một công trình, phần việc triển khai mà được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình thì có sức lan tỏa rất mạnh. Đồng thời phải biết phát huy quyền dân chủ ở cơ sở, tuân thủ nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và quyết toán công khai, minh bạch, công bằng thì tạo được niềm tin, tinh thần đoàn kết nhất trí trong nhân dân. Chính nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể và toàn dân mà đến nay huyện Duy Xuyên đã có 4 xã gồm Duy Trinh, Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Phước cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về NTM. Riêng 7 xã còn lại đã đạt từ 6 - 11 tiêu chí và sẽ phấn đấu về đích trước năm 2020.
Bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Thành Sa - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Trà Châu (xã Duy Sơn) cho biết, do địa bàn thôn nằm ngay trên tuyến đường ĐT610, hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra sôi nổi với tổng cộng 240 hộ tiểu thương nên hằng ngày lượng rác thải ra rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình này, năm 2012 thực hiện mô hình thu gom rác thải trong cộng đồng dân cư, ban dân chính thôn được ngành cấp trên hỗ trợ xe chở rác và xây dựng bể chứa có diện tích 10m2. Định kỳ vào ngày thứ Sáu hàng tuần, những hội viên nông dân kéo xe đi khắp đường làng, ngõ xóm gom rác thải sinh hoạt và sản xuất của từng hộ cũng như các cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh, tập kết đúng nơi quy định để Công ty TNHH một thành viên môi trường - đô thị Quảng Nam chở đi xử lý. Ông Sa nói: “Thời gian qua, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm dẫn đến cãi nhau, gây mất đoàn kết không còn xảy ra nữa. Trong vòng 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã thu gom được 54 tấn rác thải các loại, góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.
Không riêng thôn Trà Châu, hầu hết thôn, khối phố trên địa bàn huyện Duy Xuyên cũng xây dựng, thực hiện thành công mô hình này. Hiện bình quân mỗi ngày các tổ công nhân thay phiên nhau đi thu gom khoảng 3,3 tấn chất thải rắn và rác sinh hoạt. Ngoài ra, hội nông dân 14 xã, thị trấn còn tổ chức cho 100% hội viên nông dân đăng ký cam kết thực hiện chủ trương hộ gia đình phát triển kinh tế gắn với việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước và bảo vệ môi trường. Đồng thời vận động hội viên đóng góp xây dựng hơn 1.000 hố bằng bê tông đặt trên khắp cánh đồng để thu gom chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Cạnh đó, huy động hội viên thường xuyên ra quân triệt phá cây mai dương và trồng các loại cây xanh như cau, keo, bàng… dọc trục đường chính của huyện cũng như các tuyến đường dẫn vào những cụm dân cư, điểm tham quan du lịch nhằm tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.
HOÀI NHI