Vướng mắc trong dồn điền đổi thửa
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) để hình thành các cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích là khâu hết sức quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua, Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện công tác này nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc...
Toàn tỉnh đã có 17.459ha đất nông nghiệp hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa.Ảnh: N.S |
Hiệu quả thiết thực
Từ năm 2011 - 2014 Quảng Nam tiếp tục DĐĐT 5.571ha đất nông nghiệp ở 9 địa phương gồm Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nông Sơn. Như vậy, hiện nay tổng diện tích đất canh tác đã hoàn thành khâu này trên toàn tỉnh là 17.459ha. Được biết, 4 năm nay ngân sách tỉnh đã phân bổ cho 9 huyện, thị xã, thành phố vừa nêu gần 22,5 tỷ đồng để thực hiện DĐĐT. Ngoài ra, chính quyền những địa phương này cũng linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư hơn 102 tỷ đồng bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương trên các cánh đồng đã DĐĐT, góp phần nâng mức độ đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhân dân nhiều nơi cũng tự nguyện hiến đất và đóng góp ngày công lao động để cùng các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng bờ vùng, bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng…
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, DĐĐT đã giải quyết được tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất. Cụ thể, 6 - 7 thửa/hộ giảm xuống còn 2 - 3 thửa/hộ, diện tích mỗi thửa trước đây dưới 500m2 nay tăng lên hơn 1.000m2. “Qua việc thực hiện khâu này, nhiều nơi đã tập trung chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng… tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời từng bước kết nối trong việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng bao tiêu sản phẩm cho nông dân” – ông Muộn nói. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay, những năm qua nhiều vùng sau khi DĐĐT đã được chính quyền các địa phương xây dựng thành 56 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng kỹ thuật cho giá trị cao với tổng diện tích 7.601ha. Điển hình như huyện Đại Lộc có 2.800ha đất sau DĐĐT xây dựng cánh đồng thu nhập cao đạt giá trị bình quân 80 triệu đồng/ha/năm, trong đó khoảng 800ha đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm và gần 1.650ha đạt 80 - 150 triệu đồng/ha/năm…
Vẫn còn khó khăn
Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, giai đoạn 2011 - 2014 huyện tiếp tục DĐĐT 1.142ha đất nông nghiệp ở xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Hương An, Quế Xuân 2. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 586ha được đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) cho nông dân. Không riêng Quế Sơn, trong tổng số 17.459ha đã DĐĐT trên toàn tỉnh thì những năm qua các ngành chức năng mới tiến hành đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất hơn 9.879ha và cấp đổi bìa đỏ được gần 3.636ha, đạt 36,8% so với diện tích đã đo đạc. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là thiếu nguồn kinh phí. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) than phiền: “Bây giờ, muốn hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp đổi bìa đỏ sau DĐĐT thì cần khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Thế nhưng, UBND tỉnh chỉ cấp có 400 nghìn đồng/ha. Ngân sách địa phương eo hẹp, đời sống nhân dân còn khó khăn, làm sao gánh nổi khoản chi phí còn lại”.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác DĐĐT giai đoạn 2011 - 2014, không ít đại biểu đánh giá rằng, sau khi hoàn thành khâu DĐĐT nhiều nơi chưa thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương án đề ra. Việc quy hoạch để hình thành vùng sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa còn nhiều hạn chế, vì thế hiệu quả đạt được còn thấp. Cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho vùng DĐĐT là rất lớn, tuy nhiên nguồn kinh phí phân bổ hằng năm lại rất ít. Do vậy, nhiều vùng đã quy hoạch giao thông, kênh mương nội đồng nhưng chưa được đầu tư hoàn thiện nên khó khăn cho việc cơ giới hóa sản xuất, dẫn đến hiệu quả canh tác trên những diện tích này chưa được phát huy cao.
Theo ông Mai Đình Lợi, DĐĐT là một khâu phức tạp, khá công phu, khối lượng công việc rất lớn, từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai đến tổ chức tuyên truyền, vận động. Sau DĐĐT, ruộng đất có những biến động về diện tích, chủ sử dụng... nên ban đầu nhiều hộ dân rất đắn đo vì chưa thấy lợi ích thiết thực của công tác này. Đặc biệt, cán bộ ở một số nơi ngần ngại, sợ va chạm nên không muốn triển khai hoặc làm điểm một thôn rồi dừng lại. Trong khi đó, sự phối hợp của các ngành như tài nguyên - môi trường, NN&PTNT, kế hoạch - tài chính... ở không ít huyện, xã chưa được đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Giải pháp nào? Theo kế hoạch, năm 2015 Quảng Nam tiếp tục DĐĐT 1.213ha đất nông nghiệp tại 8 địa phương là Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nông Sơn. Cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng tiến hành đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất với diện tích khoảng 5.638ha trong tổng số 7.566ha đã DĐĐT. Để đạt được mục tiêu trên, nhiều ý kiến cho rằng ngay từ bây giờ các ngành, các cấp phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. - Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Phát huy sức dân Phải phát huy sức dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi vấn đề đều công khai, đưa ra dân bàn bạc. Đồng thời xây dựng được lực lượng nông dân nòng cốt trong vùng, giải quyết thấu tình đạt lý mọi thắc mắc của từng người dân. Trong đó, chú ý đến vai trò của mặt trận và các cấp hội trong công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích của DĐĐT. Thời gian tới cần phải phát huy tối đa vai trò của ban dân chính thôn, ban nông nghiệp và cán bộ địa chính xã trong khâu DĐĐT. Nơi nào trưởng ban dân chính thôn nhiệt tình, nắm chắc tình hình đất đai và cán bộ địa chính xã giỏi chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao thì nơi đó sẽ thực hiện tốt công tác DĐĐT. - Ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh: Liên doanh liên kết để tạo đầu ra nông sản Sau khi DĐĐT, nếu không chú trọng xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng thì sẽ không hội đủ điều kiện đẩy mạnh các biện pháp thâm canh và cơ giới hóa sản xuất. Vì vậy, cần huy động mọi nguồn vốn để đầu tư thi công những hệ thống trọng yếu này. Cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng các cánh đồng mẫu phải đảm bảo có quy mô lớn về diện tích để sản xuất theo hình thức chuyên canh, tưới tiêu chủ động, áp dụng liên hoàn những biện pháp thâm canh và thực hiện cơ giới hóa một cách đồng bộ. Vấn đề tiên quyết nhất là phải tích cực liên doanh liên kết nhằm tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản... - Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Cần linh hoạt khi triển khai DĐĐT Việc DĐĐT không nên rập khuôn, máy móc mà tùy theo điều kiện, đặc điểm cụ thể ở từng thôn, xóm có cách triển khai thích hợp. DĐĐT là cơ sở để quy hoạch, bố trí sản xuất theo hướng hàng hóa. Vì vậy, phương án DĐĐT phải gắn với quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với từng khu vực, từng cánh đồng. Khi thực hiện, cần lồng ghép với các chương trình, dự án khác để phương án triển khai đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, việc điều hành của ban chỉ đạo, tổ công tác thuộc UBND cấp huyện, xã phải được phân công, phân nhiệm rõ ràng và phải thật sự sâu sát, bám địa bàn để giải quyết công việc mang tính khách quan, chính xác. - Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc: Xây dựng phương án DĐĐT sát thực tế DĐĐT là việc làm không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì trong công tác vận động. Phương án DĐĐT phải được xây dựng sát thực tế, đúng quy trình. Địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ chủ trương cho đến hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị thì nơi đó sẽ đạt kết quả tốt. |
NGUYỄN SỰ