Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

NGUYỄN SỰ 01/04/2015 08:49

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Quảng Nam, do UBND tỉnh tổ chức hôm qua 31.3.

Thời gian qua, Quảng Nam đã hình thành được rất nhiều mô hình chuyên canh cho giá trị kinh tế cao.
Thời gian qua, Quảng Nam đã hình thành được rất nhiều mô hình chuyên canh cho giá trị kinh tế cao.

Đầu tư hạ tầng

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc nên đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 202 xã hoàn thành khâu lập quy hoạch, hiện còn 3 xã Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Anh Nam của Núi Thành chưa được UBND huyện phê duyệt vì liên quan đến Khu kinh tế mở Chu Lai. Tính đến thời điểm này, Quảng Nam cũng đã có 183 xã được chính quyền cấp huyện phê duyệt đề án xây dựng NTM, đạt tỷ lệ gần 90%. Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là một trong những vấn đề trọng yếu trên tiến trình xây dựng NTM. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm gần đây Quảng Nam dồn mọi nguồn lực cho công tác này. Ông Lê Muộn cho hay, thời gian qua các huyện, thành phố đã phê duyệt 114 đề án phát triển sản xuất do UBND cấp xã lập. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó chủ yếu là dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch hàng loạt cánh đồng mẫu lớn và đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với tổng diện tích hơn 4.000ha/năm. Ông Muộn nói: “Đây là một giải pháp cơ bản góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Theo ông Thân Đức Sửu - Phó Giám đốc Sở Tài chính, 4 năm qua Quảng Nam đã đầu tư hơn 12.852 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. “Con số trên cho thấy nguồn vốn đầu tư cho chương trình này là rất lớn. Đây không chỉ là vốn của ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp mà còn lồng ghép từ nhiều chương trình, cơ chế khác của Trung ương, của tỉnh như chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, trường học, giao thông nông thôn… Tóm lại, hầu như các chương trình, đề án hiện nay của cả 4 cấp ngân sách là Trung ương, tỉnh, huyện, xã đều hướng đến mục tiêu xây dựng NTM” - ông Sửu nói.

Một số đại biểu cho rằng, tuy đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, tồn tại. Trong đó, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn trên một xã của Quảng Nam tuy đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp so với cả nước. Cụ thể, đến cuối năm 2014 số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của tỉnh là 8,67 tiêu chí/xã, trong khi đó mức bình quân của cả nước đã là 10,51 tiêu chí/xã. Cần nói thêm, hiện nay bình quân của nhóm 44 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2015 mới chỉ là 14,30 tiêu chí/xã, trong khi thời gian về đích thì còn rất ngắn.

Tạo cú hích

Qua 4 năm thực hiện, đến cuối năm 2014 bình quân tiêu chí đạt chuẩn của 205 xã trên địa bàn tỉnh là 8,67 tiêu chí/xã, tăng 3,85 tiêu chí/xã so với năm 2010. Hiện nay, đã có 10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 43 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 81 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và 48 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Theo kế hoạch, trong năm 2015 này toàn tỉnh phấn đấu có thêm 44 xã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM.

Để tạo “cú hích mạnh” trong thời gian tới, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng. Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư, bên cạnh việc lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh thì ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương phải tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Điện Bàn cho rằng, để giúp người dân phát triển mạnh kinh tế hộ, góp phần xây dựng thành công mô hình NTM thì nhất thiết phải nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu cả trên cây lúa lẫn các loại cây trồng cạn chủ lực khác.

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay. Đồng thời cho rằng, thời gian tới địa phương cần phải huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và nhân dân để họ tích cực tham gia thực hiện. Muốn quá trình xây dựng NTM trong những năm đến mang lại hiệu quả cao, Quảng Nam cần tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao mạnh mẽ tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm giúp cư dân nông thôn nhanh chóng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo đồng chí Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp ủy đảng trên toàn tỉnh phải đưa chương trình xây dựng NTM vào nghị quyết đại hội Đảng trong nhiệm kỳ mới, xem đây là nhiệm vụ hết sức trọng tâm của ngành mình, địa phương mình. Xây dựng NTM phải trên cơ sở đề án được lập một cách chặt chẽ, có tính khả thi, có lộ trình và bước đi phù hợp. “Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM là rất lớn, do đó phải đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó cần phải hết sức chú trọng việc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp và huy động tối đa các kênh vốn tín dụng để phát triển sản xuất. Cạnh đó, huy động sức dân bằng ngày công lao động, hiến đất đai, cây cối, vật kiến trúc để giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đồng thời phải gắn chương trình xây dựng NTM với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình thực hiện” - đồng chí Lê Phước Thanh lưu ý.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ