Thành công từ việc liên kết "4 nhà"

HOÀI NHI 30/03/2015 13:05

Ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên liên kết với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng (đóng tại tỉnh Hải Dương) hỗ trợ nông dân đưa vào sản xuất khảo nghiệm giống dưa leo mới Cho-Ka của Nhật Bản và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. 

Nhà nông rất phấn khởi vì được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.Ảnh: Hoài Nhi
Nhà nông rất phấn khởi vì được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.Ảnh: Hoài Nhi

Hiệu quả cao

Những ngày cuối tháng 3 này, cánh đồng Thu Bồn Tây ở xã Duy Tân huyện Duy Xuyên ngút ngàn màu xanh cây trái. Ngoài các loại cây trồng cạn chủ lực quen thuộc là bắp và đậu phụng có thêm giống dưa leo mới Cho-Ka được đưa về từ Nhật Bản. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, vụ đông xuân 2014 - 2015 này 150 hộ dân ở các xã Duy Trung, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Nghĩa, Duy Tân được bố trí sản xuất gần 13ha dưa leo Cho-Ka của Nhật Bản. Ban đầu, UBND huyện trích kinh phí mua hạt giống đảm bảo chất lượng, cử đội ngũ cán bộ và kỹ sư nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông. Cạnh đó, chính quyền huyện đề nghị Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với đại diện các hộ nông dân như hỗ trợ tiền mua lưới, trụ làm giàn và khi thu mua phải áp dụng theo phương thức là cân sản phẩm đến đâu thì trả tiền cho dân đến đó.

Hiện tại Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng khẩn trương tiến hành xây dựng khu chế biến ở thôn Tân Phong (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) trên diện tích 4.000m2 với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, công suất hoạt động 10 - 15 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, giống dưa leo Cho-Ka do Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cung ứng phù hợp với thời tiết, khí hậu và nhiều chân đất trên địa bàn huyện. Tỷ lệ nẩy mầm cao, sức sống mạnh, sau khi xuống giống 40 - 45 ngày là cho thu hoạch. Thời gian hái quả từ 35 - 45 ngày, quả dài 35 - 50cm, ruột đặc, dường như không có hạt nên trọng lượng mỗi quả hơn 300gr. Bình quân một sào trồng 1.100 - 1.300 gốc, năng suất 60 - 100 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, nhà nông thu lãi 110 - 180 triệu đồng/ha/vụ, nếu so với trồng lúa thì cao gấp 5 lần, còn so với các loại cây khác như ớt, bắp nếp, đậu phụng… cao gấp 2 - 3 lần. Cây dưa leo Nhật Bản có thể trồng được mỗi năm 3 vụ, tùy theo chân đất và phải đảm bảo hệ thống thủy lợi.

Tập trung nhân rộng

Trước những thành công ban đầu, ông Nguyễn Danh ở xã Duy Trinh mong muốn trong thời gian đến chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng tạo điều kiện để nông dân nơi đây mở rộng diện tích lên gấp đôi. Trong những ngày qua, rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên cũng như một số địa phương lân cận đã đến các cánh đồng dưa leo Cho-Ka tham quan, học tập, rút kinh nghiệm và tìm hướng liên kết sản xuất loại cây trồng này trong vụ xuân hè - hè thu sắp tới. Nhìn những hàng dưa xanh ngát trĩu quả, ông Lê Ca ở xã Duy Thành nhận xét: “Hàng năm, ngoài trồng lúa để bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ, tôi chuyên canh tác các loại cây trồng cạn, trong đó cây dưa gắn bó lâu rồi. Nhưng, đây là lần đầu tiên tôi thấy giống dưa leo Cho-Ka của Nhật Bản cho trái to, dài, năng suất cao. Vì vậy, thời gian đến tôi mong muốn được trồng ít nhất 3-5 sào dưa này trên đồng đất Duy Thành”.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên thì mô hình liên kết “4 nhà”, gồm nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học trong việc hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dưa leo Cho-Ka bước đầu đã đem lại kết quả rất tích cực. Đây là cơ sở thực tiễn để huyện tiếp tục liên kết cùng doanh nghiệp mở rộng diện tích đối với không chỉ cây dưa này mà còn một số loại cây trồng khác như gừng, cà tím, tía tô trong thời gian đến. Ông Văn Bá Năm chia sẻ: “Đẩy mạnh liên kết sản xuất để phát triển theo hướng hàng hóa và bền vững nhằm góp phần thực hiện thành công mô hình nông thôn mới là một hướng đi mà các cơ quan có trách nhiệm ở huyện Duy Xuyên đã và đang nỗ lực thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng và chính quyền các địa phương tăng diện tích trồng cây dưa leo Nhật Bản lên tối thiểu 25ha trên những chân đất trước đây trồng bắp, nếp, đậu cô ve, đậu phụng… chủ yếu tại xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Tân, Duy Thành, Duy Trung, Duy Hòa. Yêu cầu bắt buộc là sản xuất phải tập trung theo vùng nhằm dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thuận tiện cho việc thu mua sản phẩm. Ngoài ra, công ty Việt Thắng cũng sẽ cùng ngành nông nghiệp huyện và các địa phương tiến hành trồng thí điểm ít nhất 2ha gừng, 1ha cà tím theo hình thức hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nếu cho kết quả tốt thì nhân ra diện rộng trong những vụ mùa tiếp theo”.

HOÀI NHI

HOÀI NHI