Xây dựng nông thôn mới ở Kim Thành
Thôn Kim Thành nằm về phía đông nam của xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ (được chia tách từ thôn Kim Đới). Từ những ngày đầu mới chia tách, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đảm bảo, bộ máy chính quyền còn non trẻ nên gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, là thôn giáp ranh với các địa bàn lân cận Tỉnh Thủy - Tam Thanh, Quý Thượng, Ngọc Mỹ - Tam Phú nên tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định. Nhưng với sự quyết tâm cao của tập thể chi ủy, chi bộ, chính quyền, mặt trận và đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận, tinh thần vượt khó vươn lên của nhân dân, thôn kim Thành đã từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển.
Nhân dân là chủ thể
Đến nay, toàn thôn có 211 hộ gồm 706 nhân khẩu và 4 tổ đoàn kết, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm theo hướng bền vững. Kim Thành trở thành một trong 9 thôn trên địa bàn xã Tam Thăng tích cực đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngay từ những ngày đầu mới phát động, nhân dân trong thôn đã hiểu rõ mình là chủ thể và là đối tượng thụ hưởng của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, nhân dân đã cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể bắt tay ngay để triển khai thực hiện. Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, nhân dân trong thôn đã hiến đất, hiến cây, góp kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa thôn diện tích 175m2 với tổng kinh phí 250 triệu đồng, ra quân giải phóng mặt bằng giao thông nông thôn, nội đồng để bê tông hóa trên 2,7km, ước tính kinh phí đóng góp ngày công của nhân nhân trên 30 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, từ đầu năm 2014 Chi bộ thôn đã ra nghị quyết, tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Xây dựng nông thôn mới xã Tam Thăng giai đoạn 2011 - 2015, vận động xây dựng cổng chào văn hóa tổ, triển khai chương trình thắp sáng đường quê. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì vậy công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới cần được phát huy một cách có hiệu quả, vai trò của các đồng chí đảng viên được phân công đứng điểm tổ dân cư phải được nâng cao, công tác phối hợp giữa mặt trận, chính quyền và đoàn thể thống nhất chặt chẽ.
Cổng văn hóa tổ 2 - thôn Kim Thành vừa được khánh thành. Ảnh: T.V.LINH |
Dựa vào dân
Với sự quyết tâm cao, biết dựa vào dân và cùng nhân dân bàn bạc, giải quyết nên đã nhận được sự đồng thuận. Tiêu biểu là tổ dân cư số 4, chỉ trong một thời gian ngắn vận động và sau gần 1 tháng thi công, cổng văn hóa tổ 4 đã hoàn thành với tổng kinh phí 35 triệu đồng, được tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trong niềm vui hân hoan và đầy phấn khởi của toàn thể nhân dân. Không những thế, nhân dân tổ 4 tiếp tục triển khai thành công chương trình thắp sáng đường quê, cổng chào số 2 của tổ 4, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho bà con nhân dân sinh hoạt, đi lại vào ban đêm, đáp ứng được mong đợi của bà con bấy lâu nay. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng và thắp sáng trên địa bàn toàn thôn, với chiều dài trên 4km, tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 40 triệu đồng.
Gần đây, vào những tháng cuối năm 2014 cán bộ và nhân dân tổ 2 cũng hưởng ứng tích cực, khẩn trương triển khai và đã hoàn thành cổng văn hóa tổ với tổng kinh phí 27 triều đồng. Điều đáng ghi nhận là kinh phí thực hiện các mô hình 100% đóng góp từ nhân dân.
Nhìn chung, sau gần 7 năm chia tách và qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiệu quả từ các mô hình đã làm cho diện mạo nông thôn Kim Thành ngày càng được khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhân dân đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó bền chặt.
Có được kết quả như vậy, chính là nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, tuyên truyền, vận động của mặt trận, và đoàn thể đã đi vào lòng dân, đặc biệt là sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của nhân dân trong vấn đề xã hội hóa phong trào xây dựng nông thôn mới.
TRỊNH VĂN LINH