"Măng mọc" ở nông thôn mới
Một bữa nọ, theo chân cô cử nhân trẻ Phạm Thị Nguyên, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của ông Võ Huỳnh Đình ở đồi núi Mun xã Tam Thành. Đi, lắng nghe, quan sát và ghi chép cẩn thận là cách mà Nguyên tiếp cận với những kiến thức ngoài sách vở. Phạm Thị Nguyên sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước. Từ nhỏ đã gắn bó với ruộng đồng, lớn lên chăm chỉ học hành, từng đoạt Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2011, Nguyên quyết tâm theo học ngành kinh tế nông nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Kinh tế - Huế. Ra trường, được về quê hương làm việc đúng chuyên môn của mình, quả là niềm vui không gì sánh bằng. Ngoài trách nhiệm của một cán bộ mới của Ban điều phối xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Ninh, Phạm Thị Nguyên còn mang trong mình tình yêu quê nhà tha thiết, mong muốn đem hết khả năng và nhiệt huyết tuổi trẻ để phục vụ quê hương…
Xây dựng nông thôn mới rất cần sự đóng góp trí tuệ của thế hệ trẻ. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Văn Dư (Tam An - Phú Ninh) trên đường đến trường.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tôi tự hỏi, lớp người trẻ ra đi từ mảnh làng quê với luống cày, con trâu và đồng lúa có mấy ai làm cuộc trở về đúng nghĩa như Nguyên sau khi đã học hành đỗ đạt? Dẫu biết rằng, cuộc sống là dòng chảy bất tận luôn cuốn ta đi về những miền không định trước. Nhưng rõ ràng, nếu ai đó có tâm huyết với chốn sinh thành thì cũng có thể chọn lối đi riêng phù hợp với quy luật “tre già măng mọc” trên chính đồng đất quê mình như Nguyên và một số bạn trẻ tôi đã gặp trên quê hương nông thôn mới Tam Phước của Phú Ninh.
Trên nhiều vùng đất của Quảng Nam giờ đây, người dân còn sống bằng nông nghiệp là chủ yếu. Bao nhiêu thứ dựa nhờ hạt lúa, củ khoai, rau cỏ… của đất quê. Chính vì thế, trò chuyện với nhiều nông dân đang từng ngày dãi nắng dầm mưa trên đồng ruộng, tôi càng hiểu vì sao nhà nông chịu ơn đất đai, không thích rời xa nghiệp cày cấy của mình. Dù có phải vắt kiệt sức lực hay đang phải “bắn đến viên đạn cuối cùng”- như cách ví von đầy hình ảnh của TS. Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), để chỉ thực trạng của nông nghiệp và nông dân hiện tại… thì nhà nông vẫn bám ruộng vườn. Dẫu có nhọc nhằn, nhưng làm người nông dân vẫn vô tư giữa cuộc đời. Vô tư như câu thơ suy tưởng: “Hòa vào cây cỏ mà xanh / Vô tư mấy kiếp mới thành nông dân”… Nhưng, nông dân bây giờ đang mang trên vai mình một sứ mệnh khác với thuở cha ông “lặng lẽ trên đường cày”. Đó là sứ mệnh của công cuộc xây dựng nông thôn mới mà hướng mở ra đâu chỉ là đường làng, ngõ xóm khang trang, thiết chế văn hóa mang đậm hồn cốt làng quê Việt. Điều quan trọng và cấp thiết là công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy sứ mệnh lớn lao này sẽ đặt vào tay ai? Rõ ràng, phải là những người trẻ, có trình độ, có tâm huyết với nông nghiệp và phải có trách nhiệm với nơi chốn sinh thành. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp - Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Đây là vấn đề đáng quan tâm để có thể phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn năng động”.
Bạn tôi, kỹ sư nông nghiệp Đỗ Trí Thức, sinh năm 1974, quê ở xã Tam An huyện Phú Ninh, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Huế năm 1996. Sau đó, Thức có gần 10 năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ với thu nhập cao. Mấy năm gần đây, Thức quyết định quay về quê nhà để bắt tay thực hiện mơ ước làm giàu ngay trên quê hương mình. Bằng vốn kiến thức được học về chăn nuôi, anh vừa mở trang trại nhỏ nuôi cút tại vườn nhà, vừa tình nguyện hướng dẫn cho nhiều bà con trong và ngoài xã, hướng họ đến với cách chăn nuôi khoa học, có hiệu quả, tránh dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường… Nhưng ước mơ của Đỗ Trí Thức đâu dừng lại đó mà anh còn muốn mở rộng quy mô trang trại và tạo nên sự bền vững, an toàn cho sản phẩm chăn nuôi. Ước mơ thì nhiều và đang từng bước được thực hiện dẫu còn nhiều khó khăn phía trước. Nhưng tôi nhìn được trong sâu thẳm suy nghĩ của người kỹ sư nông nghiệp này khát vọng cống hiến cho quê hương mình. Và tôi cũng biết, trên đồng đất xứ Quảng mỗi ngày lại có dấu chân người trẻ từ thành phố, từ những môi trường làm việc năng động... quay về.
Nông thôn mới đang rất cần dấu ấn người trẻ như Nguyên, như Thức - những chồi măng đang mọc lên trên đồng đất quê hương...
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC