Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Những năm qua, nhờ sự tiếp sức từ phía chính quyền và các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân ở nhiều nơi tích cực liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa theo hướng hàng hóa, qua đó đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới…
NĂM 2010, sau khi thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, thôn Trung Vĩnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan của xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) tiến hành quy hoạch cánh đồng sản xuất giống lúa hàng hóa với tổng diện tích gần 20ha. Từ vụ đông xuân 2010 - 2011 đến nay, hàng trăm hộ dân nơi đây đã liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức canh tác các loại hạt giống lúa lai, lúa thuần trên toàn bộ số diện tích vừa nêu. Ông Ngô Quang Ngọc – người dân địa phương cho biết: “Tôi có cả thảy 12 sào ruộng, đông xuân 2014 - 2015 này, thông qua Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp 1 Quế Xuân, tôi ký hợp đồng với Công ty CP Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam canh tác 6 sào giống lúa lai Nhị ưu 838. Trong 4 năm trở lại đây, nhờ hướng này mà gia đình tôi có nguồn thu nhập cao, cuộc sống không còn vất vả như trước”. Theo ông Ngọc, nhờ được doanh nghiệp cung cấp nguồn giống chất lượng và thường xuyên tập huấn, hướng dẫn bài bản quy trình kỹ thuật nên mấy năm nay vụ nào ruộng lúa giống của ông cũng đạt năng suất cao. “Thực tế cho thấy, bình quân 1 sào giống lúa lai Nhị ưu 838 cho năng suất khoảng 220kg khô. Với phương thức quy đổi 1kg hạt giống bằng 4kg lúa thương phẩm thì mỗi sào tôi thu được 880kg thóc thịt. Nếu tính với giá 1kg thóc thịt là 6 nghìn đồng thì tổng giá trị 1 sào đất sản xuất lúa giống đạt gần 5,3 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi ròng ít nhất 4,2 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với làm lúa thương phẩm” – ông Ngọc chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, là một trong 3 xã điểm nông thôn mới của huyện Quế Sơn nên từ năm 2011 tới nay chính quyền xã Quế Xuân 1 đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Ông Quang nói: “Thời gian qua chúng tôi tập trung thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi và quy hoạch xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn tại một số địa phương khác. Hiện nay, trên địa bàn các thôn Xuân Phú, Phù Sa, Trung Vĩnh, Dưỡng Xuân, Dưỡng Mông Đông, Thạnh Mỹ, Dưỡng Mông Tây đã có 150ha đất chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa cho hiệu quả rất cao”.
Ông Võ Văn Nghi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư Quảng Nam cho biết, những năm qua nhờ đẩy mạnh liên doanh liên kết nên rất nhiều địa phương ở khu vực đồng bằng, nhất là các xã điểm nông thôn mới đã hình thành được hàng loạt cánh đồng sản xuất giống lúa hàng hóa. Hiện mỗi vụ toàn tỉnh có khoảng 3.000ha đất chuyên canh tác hạt giống lúa thuần và lúa lai, tập trung nhiều nhất ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành. Thống kê cho thấy, sản xuất theo hướng này thu nhập của nhà nông tăng thêm 25 - 50% so với làm lúa thương phẩm, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. “Có thể nói, việc liên kết sản xuất giống lúa trên những cánh đồng mẫu là một lối mở đối với lĩnh vực trồng trọt. Bởi, không chỉ giá trị kinh tế tăng mà chuyện đầu ra cũng không phải là vấn đề đáng lo vì doanh nghiệp đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân” – ông Nghi nhìn nhận.
MAI LINH