Bình An nỗ lực về đích

NGUYỄN SỰ 27/10/2014 09:31

Là địa phương mới được UBND tỉnh chọn bổ sung làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng thời gian qua xã Bình An, huyện Thăng Bình đã tạo được những bước chuyển biến rõ nét. Hiện nay, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại nhằm về đích sớm so với lộ trình đề ra.

Nông nghiệp chuyển biến

Những ngày này, nhân dân thôn An Thành 1 (xã Bình An) khẩn trương bê tông hóa tuyến kênh thủy lợi ở cánh đồng Phốc nhằm kịp đưa vào sử dụng trong vụ sản xuất đông xuân tới. Ông Võ Văn Ký - Trưởng ban Dân chính thôn An Thành 1 nói: “Tuyến kênh này có chiều dài 1.210m, tổng kinh phí đầu tư 673 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Sau khi hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho 17ha lúa”. Ông Trần Xuân Hoàng - cán bộ Văn phòng UBND xã Bình An cho biết, toàn xã hiện có 680ha đất lúa, trong đó 95% diện tích chủ động nguồn nước tưới. Thời gian qua, địa phương tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn kiên cố hóa được 7,1km kênh mương thủy lợi. Cạnh đó, tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình đưa những bộ giống lúa mới cho năng suất cao vào canh tác đại trà. Đồng thời thực hiện bài bản chương trình “3 giảm, 3 tăng” gắn với gieo sạ bằng công cụ sạ hàng và quản lý tốt dịch hại tổng hợp nên năng suất lúa liên tục tăng. Năm 2014 này năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 56 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với năm 2009 trở về trước. Hiện nay, mỗi vụ, tổng sản lượng lương thực của Bình An đạt gần 3.800 tấn.

Thời gian qua, phong trào làm giao thông nông thôn diễn ra mạnh mẽ ở xã Bình An. Ảnh: N.S
Thời gian qua, phong trào làm giao thông nông thôn diễn ra mạnh mẽ ở xã Bình An. Ảnh: N.S
Tính đến thời điểm này, xã Bình An đã thực hiện hoàn thành 11 tiêu chí xây dựng NTM gồm: quy hoạch, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống điện, an ninh trật tự. Từ lúc tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình NTM (17.4.2013) đến nay, địa phương đã đầu tư 4 tỷ đồng cho chương trình, trong đó nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng (kể cả công lao động), phần còn lại là huy động các nguồn vốn khác. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2014, địa phương quyết tâm hoàn thành thêm 2 tiêu chí là hộ nghèo và chợ nông thôn. Dự kiến, năm 2015 xã Bình An cần ít nhất 11 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Những năm qua, UBND xã Bình An đã trích nguồn ngân sách hỗ trợ 15% giá giống lúa cùng công cụ sạ hàng cho nông dân sản xuất trên các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng tập trung ở thôn An Thành 3 và An Thái với diện tích rộng 39ha, chuyên gieo sạ bằng các loại giống TBR45, 13/2 cho năng suất vượt trội. Ngoài ra, địa phương cũng liên kết với nhiều công ty giống cây trồng sản xuất 15ha giống lúa hàng hóa ở thôn An Phước, qua đó giúp người dân tăng 20 - 30% thu nhập so với làm lúa thương phẩm. Để giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, gần đây nông dân Bình An đặc biệt quan tâm đến việc mua sắm máy móc phục vụ khâu làm đất, thu hoạch. Toàn xã hiện có 3 máy gặt đập liên hợp, 13 máy cày 4 bánh, 38 máy xới đất cùng hàng trăm máy cắt lúa cầm tay.

Đầu tư kết cấu hạ tầng

Tạo việc làm cho lao động nông thôn
Ông Trần Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, thời gian qua địa phương tích cực phối hợp với các ban, ngành cấp trên mở rất nhiều lớp dạy nghề cho người dân, chủ yếu là trồng nấm, mây tre đan và giới thiệu vào làm việc ở các cơ sở trên địa bàn. Theo ông Nhã, xã Bình An hiện có 4 cơ sở mây tre đan cùng 1 cơ sở cá đông lạnh, giải quyết việc làm cho gần 800 lao động ở địa phương. “Toàn xã có 3.292 hộ dân, trong đó hơn 30% tham gia các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,2%. Đến cuối năm 2013, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 19 triệu đồng/người/năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Bình An giảm còn 6,86% và từ nay đến cuối năm 2014 xã quyết tâm giảm xuống dưới mức 5%” - ông Nhã nói.

Có mặt tại thôn An Thành 3 của xã Bình An vào những ngày cuối tháng 10 này, chúng tôi thấy nhân dân nơi đây tập trung máy móc đổ bê tông tuyến đường giao thông nông thôn ở tổ đoàn kết số 1 với chiều dài 569m, rộng 3m, dày 0,17cm. Trên khuôn mặt mỗi người dân đều hiện rõ niềm vui vì sau bao năm chờ đợi, họ mới có được con đường rộng rãi, kiên cố. Ông Trần Văn Nhã – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 9 tháng đầu năm nay, địa phương đã bê tông được 1.500m đường giao thông nông thôn, tập trung ở các thôn An Dưỡng, An Phước, An Mỹ, An Thành 1. Tổng kinh phí đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 577 triệu đồng, phần còn lại từ nguồn ngân sách các cấp hỗ trợ. Ông Nhã nói: “Thấu hiểu việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nên ngoài việc đóng góp tiền bạc, công sức, nhân dân trong xã cũng đã tự nguyện hiến hơn 1.200m2 đất vườn để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Đây là điều đáng mừng và tạo tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện hoàn thành các tiêu chí khác, về đích vào cuối năm 2015, trước 3 năm so với lộ trình ban đầu đặt ra”. Được biết, xã Bình An có tổng cộng 50,8km đường giao thông nông thôn. Đến thời điểm này đã kiên cố hóa được 34,9km, chiếm tỷ lệ 68,6%. Theo kế hoạch, năm 2015, địa phương tiếp tục huy động các nguồn vốn đổ bê tông ít nhất 5,5km đường giao thông nông thôn.

Không chỉ vậy, xã Bình An cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công chợ Quán Gò, thuộc thôn An Thành 2. Công trình này có tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy, lồng chợ, hệ thống thoát nước. Riêng nhà chứa rác thải tại chợ được đầu tư 153 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý I.2014, giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường. Dự kiến, sau khi hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa ngôi chợ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gần 800 hộ kinh doanh buôn bán lớn nhỏ...

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ