Điện Thọ nỗ lực về đích
Điện Thọ là một trong 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Điện Bàn. Hơn 3 năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương không ngừng nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình đặt ra…
Tạo cú hích cho nông nghiệp
Hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây trồng cạn tập trung, từ khoản kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ, Điện Thọ vừa thi công hoàn thành hệ thống thủy lợi hóa đất màu trên cánh đồng Biền Long Hội (thôn Kỳ Long) rộng 30ha. Điện Thọ hiện có 330ha đất màu, những năm gần đây, nhờ chú trọng đầu tư cho khâu thủy lợi nên gần như toàn bộ diện tích đó đã đảm bảo nguồn nước tưới. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn xã, nhất là ở thôn Bì Nhai và Kỳ Long đã hình thành được rất nhiều mô hình luân canh, xen canh các loại cây trồng cạn như ớt, đậu xanh, dưa hấu, bắp, đậu phụng… Bình quân mỗi năm 1ha cho mức thu nhập 90 - 100 triệu đồng.
Có hố bi đựng rác thải, môi trường đồng ruộng không còn ô nhiễm. Ảnh: N.S |
Để giúp người dân thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng như vận chuyển các loại vật tư, phân bón, nông sản… xã Điện Thọ vừa xây dựng 5 tuyến giao thông nội đồng trọng yếu trên một số cánh đồng của thôn Phong Thử 2, Phong Thử 3, Đông Hòa, Châu Lâu, La Trung với chiều dài 3,3km. Bên cạnh đó, địa phương cũng tiến hành kiên cố hóa 1,7km kênh mương chính ở cánh đồng Kỳ Lam, La Trung, Phong Thử 2. Tổng kinh phí đầu tư 4,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2,8 tỷ đồng, còn lại do dân đóng góp. Được biết, hơn 3 năm qua nhân dân Điện Thọ đã đầu tư mua 25 máy gặt đập liên hợp, 30 máy cày làm đất. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa các khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã đạt 100%.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương đã hoàn thành toàn bộ 32,46km giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư hơn 22,7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 11,4 tỷ đồng, phần còn lại nhân dân đóng góp. Ông Hùng nói: “Ý thức được việc xây dựng đường giao thông sẽ mở ra cơ hội phát triển cho địa phương nên nhân dân trong xã đồng tình hưởng ứng bằng những việc làm, hành động thiết thực như hiến rất nhiều diện tích đất ở, đất vườn và góp hơn 9.000 ngày công lao động. Đây là động lực quan trọng giúp Điện Thọ thực hiện hoàn tất các tiêu chí khác để về đích đúng lộ trình”.
Qua hơn 3 năm xây dựng NTM, đến nay Điện Thọ đã hoàn thành 16 tiêu chí, gồm: quy hoạch, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 82,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 29 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 13,8 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn khác. Từ nay đến cuối năm 2015, địa phương tiếp tục hoàn tất 3 tiêu chí còn lại là giao thông, thủy lợi, văn hóa. |
Ông Hùng cũng thông tin, trên địa bàn xã hiện có 3 ngôi chợ là Phong Thử, Kỳ Lam, Mười Giờ được xây dựng từ năm 1994, có tổng diện tích sử dụng 4.170m2, tạo điều kiện thuận lợi cho 759 hộ kinh doanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng cho gần 14.000 nhân khẩu. Riêng chợ Phong Thử nằm trong diện quy hoạch phát triển chợ theo Quyết định số 2621 của UBND tỉnh nên cơ sở hạ tầng đang từng bước được nâng cấp. Với vốn đầu tư gần 1,2 tỷ đồng, khu xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy của chợ Phong Thử đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Những ngày này, việc thi công công trình Trung tâm VH-TT xã Điện Thọ được đẩy nhanh tiến độ để bàn giao vào tháng 10 tới. Công trình trên có tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình NTM, bao gồm khu hội trường đa năng rộng 4.000m2, sức chứa 500 chỗ ngồi; 3 phòng chức năng là hành chính - tổng hợp, sách báo - thư viện, thông tin - truyền thanh cùng các trang thiết bị và sân thể thao. Đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, cầu lông, bóng đá… Ngoài ra, Trạm Y tế xã cũng đã được xây dựng khang trang với quy mô 8 phòng bệnh, 7 phòng chức năng đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Tích cực bảo vệ môi trường
Xuất phát từ việc 200 hộ dân sống dọc tuyến ĐT 609 đứng ra hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Môi trường - đô thị Quảng Nam thu gom rác thải, tháng 8.2013 UBND xã Điện Thọ triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý chất thải rắn. Theo đó, địa phương đầu tư xây dựng 4 bãi trung chuyển rác và mua sắm xe chở rác, dụng cụ bảo hộ lao động với số tiền hơn 300 triệu đồng, trong đó cấp trên hỗ trợ 220 triệu đồng. Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay đã có 9/13 thôn thực hiện với 76% số hộ dân tham gia, bình quân mỗi tháng thu gom 120 khối rác. Riêng 4 thôn còn lại là Bì Nhai, Đức Ký Nam, Đức Ký Bắc, Phong Thử 3 sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới. “Điện Thọ hiện có 3.345 hộ dân với 13.772 nhân khẩu. Dân số đông cùng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nên việc bảo vệ môi trường luôn được địa phương quan tâm. Thực hiện thành công đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và là tiền đề quan trọng hoàn thành tiêu chí về môi trường – một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM” - bà Sương nói.
Bên cạnh đó, Điện Thọ cũng triển khai thu gom rác thải, bao bì chứa phân bón, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng tại 100 điểm (mỗi điểm đặt 1 hố bi) ở tất cả 13 thôn. Đồng thời nhân dân trong xã thường xuyên ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%, hơn 90% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường. Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm được đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, nước thải…
NGUYỄN SỰ