Xây dựng nông thôn mới ở Duy Xuyên
Sau gần 3 năm thực hiện, huyện Duy Xuyên đã tạo ra những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Tạo dựng vùng chuyên canh
Hè thu 2014, ông Trần Ánh (thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn) canh tác 3 sào lúa bằng giống Xuyên Hương 178 trên cánh đồng mẫu Đồng Cả rộng 80ha. Theo ông Ánh, 5 vụ gần đây, nhờ đồng ruộng không còn manh mún nên rất thuận lợi trong vấn đề đưa cơ giới hóa vào canh tác để giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư. Không chỉ vậy, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng dễ dàng hơn, góp phần hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại và nâng cao sản lượng. Nhìn ruộng lúa trĩu bông, ông Ánh hồ hởi: “Đông xuân trước, bình quân 1 sào cho năng suất gần 360kg khô, tăng 20kg so với thời điểm chưa áp dụng mô hình cánh đồng mẫu. Hè thu này, nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo nên toàn bộ diện tích lúa phát triển tốt. Dự kiến, năng suất sẽ đạt 350kg/sào, tăng 15kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.
Hơn 2 năm qua, Duy Xuyên đã bê tông hóa thêm 65km đường liên xã, liên thôn.Ảnh: H.N |
Ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, gần 3 năm qua địa phương tập trung mọi nỗ lực thực hiện quyết liệt khâu dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để hình thành 12 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 385ha, chủ yếu ở các xã Duy Vinh, Duy Phước, Duy Thành, Duy Sơn, Duy Trung, Duy Trinh, Duy Hòa, thị trấn Nam Phước. Ông Xuân nói: “Để tạo điều kiện cho người dân canh tác ở cánh đồng mẫu, huyện thường xuyên trợ giá giống lúa, hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Ngoài ra còn liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa, qua đó giúp nhà nông tăng 20 - 30% giá trị kinh tế so với lúa thương phẩm”.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Duy Xuyên tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Ông Nguyễn Tám (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh) phấn khởi: “Ngoài việc trồng đậu, ớt, thuốc lá, thời gian qua tôi còn làm 6 sào rau bồ ngót trên cánh đồng Vạn Buồng. Nếu gặp thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, mỗi năm tôi lãi hơn 15 triệu đồng/sào”. Theo ông Phạm Đình Xuân, toàn huyện Duy Xuyên hiện có 1.300ha đất màu, trong đó đã xây dựng được 3 vùng chuyên canh cây trồng cạn ở thôn Thanh Châu, Lệ Bắc của xã Duy Châu và thôn Vạn Buồng thuộc xã Duy Trinh với diện tích gần 200ha. Bình quân mỗi năm 1ha đất sản xuất theo phương thức này cho mức thu nhập 120 - 150 triệu đồng.
Giải quyết việc làm
Hơn 261 tỷ đồng xây dựng NTM Huyện Duy Xuyên có 4 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM. Tính đến gần cuối tháng 8.2014, xã Duy Hòa hoàn thành 12 tiêu chí, Duy Trinh 13 tiêu chí, Duy Sơn và Duy Phước cùng đạt 14 tiêu chí; 7 xã còn lại đạt 4 - 10 tiêu chí. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trên toàn huyện trong 3 năm qua hơn 261 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư gần 25 tỷ đồng, vốn lồng ghép khoảng 166 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 46,2 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các kênh khác. Năm 2014, xã Duy Phước phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí là trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn; Duy Sơn hoàn thành 2 tiêu chí là hộ nghèo, văn hóa; Duy Hòa thực hiện các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, môi trường; Duy Trinh hoàn thành 5 tiêu chí là môi trường, văn hóa, chợ nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm, thu nhập bình quân đầu người. |
Xác định công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, 3 năm qua huyện Duy Xuyên đã chi hơn 1,5 tỷ đồng mở 36 lớp với 7.500 lao động được đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ. Đồng thời tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyển giao các tiến bộ của khoa học - công nghệ cho 350 nhóm hộ, chủ yếu xoay quanh khâu trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…Đặc biệt, những năm gần đây huyện Duy Xuyên đã thu hút 96 doanh nghiệp đến đầu tư vào các cụm công nghiệp và làng nghề, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 2,8 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Được biết, năm 2013 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 1.774,2 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị của ngành này đạt 885 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - thành viên tổ giúp việc xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Duy Sơn cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến 2.000m2 đất ở, di dời 65 tường rào cổng ngõ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bê tông hóa 9km đường liên thôn, liên xóm với tổng kinh phí gần 6,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 4,5 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp”.
Không riêng ở Duy Sơn, phong trào làm đường giao thông lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương, nhất là xã Duy Hòa, Duy Phước, Duy Vinh, Duy Trung. Ông Nguyễn Phước Vinh - cán bộ chuyên trách tổ điều phối chương trình xây dựng NTM huyện Duy Xuyên cho hay, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2012 đến nay toàn huyện đã bê tông hóa được gần 65km giao thông nông thôn, nâng tổng số đường liên xã, liên thôn, liên xóm được cứng hóa lên 230km, chiếm tỷ lệ 92%. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2014 Duy Xuyên tiếp tục đổ bê tông 7,5km đường giao thông với tổng dự toán hơn 6,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ 45%, phần còn lại huy động trong dân. Ngoài việc tập trung phát triển mạng lưới giao thông, 3 năm qua Duy Xuyên còn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 4 ngôi chợ tại xã Duy Sơn, Duy Thu, Duy Phú, Duy Vinh với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa.
HOÀI NHI