Duy Châu vượt khó
Cách đây hơn một năm, xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) phát động xây dựng mô hình nông thôn mới. Với quyết tâm vượt khó và biết phát huy tối đa tiềm năng cũng như tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía nên thời gian qua địa phương đã tạo được những bước chuyển biến rõ nét…
Phát triển nông nghiệp hàng hóa
Nhằm tạo tiền đề xây dựng các cánh đồng kỹ thuật, nâng cao năng suất lúa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, những năm gần đây Duy Châu tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia công tác dồn điền đổi thửa. Theo ông Nguyễn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã, dù gặp không ít khó khăn song đến nay địa phương đã thực hiện hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa ở tất cả 8 thôn với tổng diện tích 165ha đất lúa. Cạnh đó, nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác mới, hỗ trợ nhiều loại giống chất lượng cao cho nông dân gieo sạ đại trà nên hàng năm năng suất lúa của xã tăng lên đáng kể. Riêng vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân ở Duy Châu đạt 65,25 tạ/ha, tăng 1,58 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 5 tạ/ha so với năm 2009 trở về trước.
Những vùng chuyên canh cây trồng cạn cho thu nhập hơn 110 triệu đồng/ha/năm.Ảnh: H.Nhi |
Để giúp người dân mở rộng các vùng chuyên canh, luân canh những loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, xã Duy Châu vừa kéo 1,5km đường dây điện ra một số cánh đồng ở thôn Thanh Châu và Lệ Bắc. Như vậy, hiện nay toàn xã đã kéo được 5,5km đường dây điện thủy lợi hóa đất màu, đảm bảo cung ứng nước tưới cho gần 100% diện tích. Ông Ngô Đình Lùng (thôn Thanh Châu, xã Duy Châu) cho hay, từ khi có công trình thủy lợi hóa đất màu, người dân nơi đây luân phiên canh tác. Vì thế bốn mùa rau trái tươi xanh. Ông Lê Phước Hải - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Châu cho biết, toàn xã hiện có 200ha đất màu, tập trung nhiều nhất ở thôn Lệ Bắc, Thanh Châu, Lệ An, Lệ Nam. Bình quân mỗi năm 1ha cho nông dân mức thu nhập hơn 110 triệu đồng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, Duy Châu tập trung phát triển mạnh đàn bò theo phương thức thâm canh. Ông Hồ Xuân Tám - Phó ban dân chính thôn Lệ Bắc cho biết, bên cạnh việc nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì người dân ở đây cũng chú trọng phát triển đàn bò lai theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, hơn 90% hộ dân trong thôn tham gia mô hình nuôi bò lai với mức lãi ròng hàng năm 20 - 40 triệu đồng/hộ. Nhờ thế, những năm qua rất nhiều gia đình đã nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tính đến thời điểm này trên địa bàn xã Duy Châu có tổng cộng 1.108 con bò, trong đó bò lai chiếm tỷ lệ 98,95%. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ bò lai cao nhất tỉnh.
Xây dựng hạ tầng thiết yếu
Qua hơn 1 năm phát động xây dựng nông thôn mới, đến nay Duy Châu đã hoàn thành 5 tiêu chí, gồm quy hoạch, điện, bưu điện, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự. Các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, chợ nông thôn, trường học đạt 60 - 90%. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình hơn 27,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,1 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 12,6 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác. Năm 2014, địa phương này phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí là trường học, chợ nông thôn và quyết tâm trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2018. |
Nhân dân thôn Lệ Bắc vừa đồng loạt ra quân phát dọn cây cối, mở rộng hành lang 6 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 1.200m, rộng 6m, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị tiến hành bê tông hóa. Ông Đỗ Văn Thành - cán bộ địa chính & xây dựng xã Duy Châu cho biết, từ năm 2012 đến nay địa phương đã đổ bê tông được 4km đường giao thông nông thôn ở các thôn Cổ Tháp, Lệ Bắc, Lệ An, Cù Bàn, Lệ Nam… với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Theo ông Thành, nhờ quan tâm đầu tư nên hiện nay trong tổng số gần 31km giao thông nông thôn thì Duy Châu đã bê tông hóa được 21,86km, đạt tỷ lệ 68,25%. Năm 2014 này xã tiếp tục kiên cố hóa 900m đường liên xóm tại thôn Thanh Châu, Cổ Tháp, Lệ Nam, Cù Bàn.
Cùng với việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, Duy Châu cũng tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Thời gian qua Trường THCS Phan Châu Trinh của xã bị xuống cấp nặng và nằm ngay địa bàn thấp lụt nên việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây không lâu, được sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước và Quỹ Tương lai trẻ em của Đức, ngành giáo dục huyện cùng chính quyền địa phương bắt tay vào việc xây dựng ngôi trường mới. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và dự kiến sẽ bàn giao trước ngày 31.8 tới để kịp đưa vào giảng dạy ngay từ đầu năm học mới 2014 - 2015 với số lượng hơn 600 học sinh. Tổng kinh phí đầu tư công trình này hơn 20 tỷ đồng, trong đó Quỹ Tương lai trẻ em của Đức tài trợ 8,4 tỷ đồng, còn lại do ngân sách tỉnh và huyện đối ứng…
HOÀI NHI