Đổi thay ở xã nghèo

DUY THÁI 23/06/2014 08:53

Sau khi Phước Chánh được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phước Sơn, đồng bào vùng cao nơi đây có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, từng bước đưa đời sống đi lên.
Đòn bẩy nông nghiệp

Phước Chánh là một trong 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn, những năm trước tỷ lệ hộ nghèo đói cao, giao thông cách trở, kỹ thuật thâm canh cây lúa nước còn lạc hậu, người dân chủ yếu sống bám vào nương rẫy. Do đó việc chọn Phước Chánh làm xã điểm xây dựng NTM khiến không ít người quan ngại. Từ năm 2011, trước khi triển khai xây dựng NTM, lãnh đạo xã tập trung cử cán bộ chủ chốt đến từng thôn bản để họp dân, liên tục phổ biến cho các già làng, chi bộ thôn hiểu rõ chủ trương của Nhà nước để người dân đồng thuận, nhất là việc hiến đất làm đường bê tông nông thôn, xây đập thủy lợi. Nhờ đó qua gần 3 năm, công cuộc xây dựng NTM ở Phước Chánh nhanh chóng lan tỏa sâu rộng và gặt hái được nhiều thành công.

Diện mạo xã Phước Chánh ngày càng khang trang hơn. ảnh: DT.
Diện mạo xã Phước Chánh ngày càng khang trang hơn. ảnh: DT.

Chú trọng phát triển cây lúa nước làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ được xã Phước Chánh nhanh chóng triển khai. Mỗi năm Phước Chánh đều mở từ 4 - 5 lớp tập huấn sản xuất lúa nước thu hút hàng trăm người tham gia. Vụ đông xuân năm 2014, toàn xã gieo sạ gần 92ha lúa nước, năng suất bình quân đạt khoảng 48 tạ/ha làm người dân rất phấn khởi. Ông Võ Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, để đảm bảo nước tưới cho cây lúa, Phước Chánh đã xây dựng được 5 hồ đập, kiên cố hóa hơn 3km kênh mương dẫn nước về ruộng. Mở rộng khai hoang, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón vi sinh và phân vô cơ để cây lúa phát triển tốt. Việc đầu tư những con đường nội đồng, đưa máy tuốt lúa về đã giúp đồng bào canh tác thuận tiện hơn.

Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi khi xã Phước Chánh chủ động tăng nhanh diện tích lúa nước, thu hẹp đất lúa rẫy để chuyển sang trồng hoa màu, cây công nghiệp. Theo đó, từ hơn 300ha đất lúa rẫy, đến nay người dân chỉ trồng khoảng 68ha lúa rẫy, diện tích đất còn lại được chuyển qua trồng chuối, keo lá tràm, bời lời đỏ, nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó đàn vật nuôi cũng tăng nhanh với hơn 1.400 con gia súc, gần 2.000 con gia cầm nhờ công tác phòng và trị bệnh tốt làm tăng thu nhập cho người dân. “Tranh thủ nguồn vốn 30a và các dự án hỗ trợ từ nước ngoài, trong năm 2013 chính quyền xã đã làm chủ đầu tư tổng nguồn vốn hơn 300 triệu đồng, cấp gần 240 nghìn cây keo cho 116 hộ dân, cấp hơn 7 nghìn cây chuối cho 44 hộ. Bên cạnh đó Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cũng hỗ trợ cho nhân dân 44 con bò, 15 nghìn cây bời lời đỏ, 3.000m ống nước, hơn 700kg phân NPK để giúp người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo” - ông Hưng cho biết thêm.

Xây dựng cơ sở hạ tầng

Xã Phước Chánh có 7 thôn nhưng nằm rải rác và cách trở, nhờ người dân đồng thuận hiến đất làm đường nên phong trào làm giao thông nông thôn phát triển mạnh. Tính đến nay toàn xã đã xây dựng được 20km đường bê tông đi đến các thôn trong xã. Năm 2013 xã Phước Chánh chi gần 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM triển khai làm đường bê tông nông thôn tại thôn 5 và thôn 7, đây là 2 thôn xa nhất của xã; đào 8 cái giếng để người dân có nước sinh hoạt.

Xã Phước Chánh có 4 thành phần dân tộc, trong đó người Bhnoong chiếm trên 94%. Thực hiện xây dựng NTM, đến nay địa phương hoàn thành 6 tiêu chí là quy hoạch, giao thông, chợ nông thôn, điện, thủy lợi và an ninh trật tự. Phấn đấu đến năm 2015 xã Phước Chánh sẽ hoàn thành thêm 6 tiêu chí NTM.

Tranh thủ nhiều nguồn vốn, qua gần 3 năm xây dựng NTM, xã Phước Chánh đã huy động được hàng tỷ đồng kiện toàn hệ thống điện gồm 4 trạm biến áp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho người dân; xây dựng trường, trạm kiên cố, trang thiết bị y tế được đảm bảo. Mỗi năm trạm y tế xã Phước Chánh khám và chữa bệnh trên 8 nghìn lượt người và hạn chế các bệnh viêm hô hấp, sốt rét, tiêu chảy thường xảy ra ở địa phương. Ngoài ra, việc đưa vào hoạt động chợ phiên trung tâm xã Phước Chánh là nơi giao thương của người dân 5 xã vùng cao bước đầu, giúp người dân tập trung buôn bán nông sản, mua về những mặt hàng mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay, Phước Chánh đang triển khai xây dựng sân vận động trước trụ sở UBND xã để tổ chức các phong trào thể dục thể thao, hội thi tái hiện bản sắc đồng bào nơi đây.

Phước Chánh là cửa ngõ đi vào 5 xã vùng cao, đến nay trục đường chính nối các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc và Phước Công cơ bản hoàn thành là động lực để người dân nơi đây phát triển kinh tế. Ông Hồ Văn Đường – Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, trước kia từ thị trấn Khâm Đức vào đến trung tâm xã phải mất hàng tiếng đồng hồ do đường sá lầy lội, nay trục đường liên xã đi qua Phước Chánh đã hoàn thành rút ngắn chỉ còn 30 phút đi xe máy tạo cơ hội mới để vùng núi vươn lên.  Sắp đến chúng tôi dự định trình đề án triển khai thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tập trung rộng 1ha tại thôn 3 và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Hy vọng những điều kiện thuận lợi đó sẽ là tiền đề để Phước Chánh có những đột phá hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội” - ông Đường nói.

DUY THÁI

DUY THÁI