Đảm bảo hiệu quả nguồn vốn xây dựng hạ tầng

MAI NHI 12/05/2014 13:16

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đối với chính quyền cơ sở trong việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng như ngân sách các cấp để đầu tư thi công kết cấu hạ tầng năm 2014 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến 2013, bằng nhiều nguồn vốn huy động Quảng Nam đã chi hơn 334 nghìn tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, số tiền do ngân sách tỉnh và 18 huyện, thành phố đầu tư cho các địa phương thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh ít nhất là 153 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ nét, cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện. Nhằm tạo bước đột phá mới, UBND tỉnh đã phân bổ 140 tỷ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ năm 2014 cho các địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng theo đúng mục tiêu đặt ra đối với 60 xã điểm. Ngoài số tiền trên, tỉnh cũng chi ngân sách 40 tỷ đồng cấp cho 18 huyện, thành phố thực hiện những phần việc của chương trình xây dựng NTM. Trong quyết định giao vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã sử dụng kinh phí được phân bổ và lồng ghép những nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương để thi công cơ sở hạ tầng trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của tỉnh, dù thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nhưng thực tế cho thấy vẫn còn không ít đơn vị thực hiện chưa đảm bảo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, một số địa phương chưa giao cho UBND cấp xã quyết định đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; chưa giao cho ban quản lý xây dựng NTM cấp xã làm chủ đầu tư các công trình theo quy định...Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, nhiều nơi chưa lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư về báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán các công trình cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, việc giải ngân vốn cũng chậm và thanh toán, quyết toán chưa đảm bảo quy định…

Ông Quang cho rằng, để sớm khắc phục những hạn chế trên nhằm đưa công tác quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng vào nền nếp và nâng cao trách nhiệm, tăng tính chủ động của địa phương trong huy động nguồn lực thì các huyện, thành phố cần phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các xã thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND các xã là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Còn ban quản lý NTM của xã là chủ đầu tư xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng có kinh phí dưới 3 tỷ đồng thuộc nguồn vốn chương trình NTM. Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà ban quản lý cấp xã không đủ năng lực và có văn bản không nhận làm chủ đầu tư thì UBND cấp huyện giao cho một đơn vị có đủ năng lực làm chủ đầu tư nhưng phải có sự tham gia của UBND xã. Đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản thì áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cấp có thẩm quyền ban hành và giao cho cộng đồng dân cư tự thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03 (ngày 7.8.2013) của Bộ Kế hoạch - đầu tư. Ngoài ra, ban chỉ đạo cấp huyện cũng cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn ban quản lý các xã, ban phát triển các thôn về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc chương trình NTM...

MAI NHI

MAI NHI