Nỗ lực xây dựng cánh đồng mẫu lớn

VĂN SỰ 30/12/2013 10:52

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Điện Bàn và chính quyền các địa phương đã tập trung hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm giúp nhà nông giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích...

Nâng cao giá trị sản xuất

Vụ hè thu 2013 vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam, ngành nông nghiệp huyện Điện Bàn phối hợp với chính quyền xã Điện Hồng triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại thôn Cẩm Văn Nam. Ông Phạm Thành Chung – Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm Điện Bàn cho biết, mô hình này được thực hiện trên diện tích 35ha đất với hơn 90 hộ dân tham gia. Để tiếp sức cho nông dân, ngoài việc tập trung chuyển giao gói kỹ thuật canh tác mới thì đơn vị đã hỗ trợ 100% lượng giống lúa thuần nguyên chủng OM4900, TH5 và 30% kinh phí mua 18 công cụ sạ hàng (bình quân 1 công cụ sạ hàng có giá 1 triệu đồng).

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nông dân Điện Bàn dễ dàng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nông dân Điện Bàn dễ dàng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

Theo ông Ngô Thanh Hùng – Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất – kinh doanh tổng hợp Điện Hồng 2, những năm qua, do nông dân địa phương sạ với mật độ quá dày, bón phân không cân đối khiến cây lúa quang hợp kém, đẻ nhánh yếu và thường xuyên bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại, vì vậy vụ nào năng suất lúa cũng chỉ đạt 250kg khô/sào. Hè thu 2013, toàn bộ 35ha đất trên cánh đồng mẫu lớn đều sử dụng công cụ sạ hàng để xuống giống, đồng thời ứng dụng hiệu quả quy trình sản xuất mới do cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên tất cả ruộng lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, năng suất bình quân mỗi sào tăng lên 300kg khô. Không chỉ năng suất tăng mạnh, việc áp dụng gói kỹ thuật tiên tiến này còn giúp nông dân tiết kiệm được ít nhất 250 nghìn đồng tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho mỗi sào lúa và giảm 50% công tỉa dặm, chăm sóc...

Ông Phạm Hữu Kinh – Phó phòng NN&PTNT Điện Bàn cho hay, ngoài mô hình trên, năm 2013 ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ hàng trăm hộ nông dân ở các xã Điện Phước, Điện Trung, Điện Thọ...  xây dựng 6 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 167ha đất lúa. Ông Kinh nói: “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên năng suất lúa bình quân trên những cánh đồng mẫu đạt khoảng 65,7 tạ/ha, tăng 2 - 3 tạ/ha so với trước đây. Mỗi vụ 1ha đất sản xuất theo mô hình này còn giảm được hơn 60kg giống lúa và gần 1,3 triệu đồng tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Do đó, mức lợi nhuận mà nông dân thu về tăng 3 - 4 triệu đồng/ha so với các chân ruộng đối chứng gieo sạ cùng trà, cùng loại giống”.

Tập trung nhân rộng

Sau những thành công lớn trong 3 vụ sản xuất gần đây tại thôn La Hòa, vụ đông xuân 2013 - 2014 này chính quyền xã Điện Phước tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu ra diện rộng. Ông Đào Cúc – Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa để giải quyết dứt điểm tình trạng đất đai manh mún, nhỏ lẻ thì xã thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan của huyện tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyển giao rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhà nông nhằm giúp họ ứng dụng hiệu quả vào quá trình canh tác. Theo ông Cúc, từ 36ha tại mô hình điểm thuộc thôn La Hòa, vụ này xã Điện Phước xây dựng thêm một số cánh đồng mẫu lớn ở thôn Nông Sơn 1, Hạ Nông Tây và nhiều địa phương khác với tổng diện tích khoảng 150ha. Ông Cúc nói: “Nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, lãnh đạo xã đã quyết định chi gần 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách để trợ giá giống lúa và mua 30 công cụ sạ hàng về cấp phát cho các hộ tham gia mô hình”.

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn cho biết, bằng nhiều nguồn vốn huy động, năm 2013 các đơn vị liên quan ở huyện đã đầu tư 14,7 tỷ đồng nâng cấp 3 trạm bơm điện đầu mối và kiên cố hóa hơn 7km kênh mương chính để chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho 1.033ha đất sản xuất lúa. Trong đó, ưu tiên cho những cánh đồng mẫu lớn.

Ông Phạm Thành Chung – Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm Điện Bàn cho hay, những tháng gần đây đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã về xã Điện Quang và Điện Phong mở các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất mới cho hàng trăm hộ dân. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp cùng chính quyền cơ sở triển khai thực hiện 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô 60ha đất. Ngoài chuyện cấp phát toàn bộ lượng giống lúa cần thiết thì ngành chuyên môn còn đưa về 2 xã nhiều công cụ sạ hàng để hỗ trợ việc xuống giống cho những gia đình chưa có điều kiện đầu tư mua sắm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì vụ đông xuân này nhiều địa phương khác ở huyện Điện Bàn cũng đã tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn với khoảng 150 - 200ha đất. Ông Chung cho rằng việc nhân rộng mô hình là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, bởi đây là giải pháp canh tác tiên tiến với chế độ chăm sóc, quản lý dịch hại, bón phân hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, còn hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái và tăng chất lượng sản phẩm gạo. Hơn nữa, hình thành cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo điều kiện cho nhà nông đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trọng yếu trong sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm theo hướng hàng hóa tập trung...

VĂN SỰ

VĂN SỰ