Chương trình xây dựng nông thôn mới: Định "khung" vốn các hạng mục
Hôm nay ngày 10.12, HĐND tỉnh khai mạc Kỳ họp lần thứ 9. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua đề án “Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Quảng Nam”.
Thi công đường giao thông nội đồng và cống qua đường, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% so với suất đầu tư tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn.Ảnh: MAI NHI |
Chuyển biến tích cực
Xác định quy hoạch là tiền đề trong xây dựng NTM nên thời gian qua Quảng Nam rất chú trọng công tác này. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong tổng số 213 xã trên địa bàn thì có 7 xã được UBND tỉnh thống nhất không lập quy hoạch xây dựng NTM, chỉ lập quy hoạch sản xuất và đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn vì các xã này đang thực hiện quy hoạch phát triển đô thị hoặc công nghiệp. Như vậy, thực tế số xã lập quy hoạch xây dựng NTM là 206. Đến ngày 30.6.2013 đã có 201 xã hoàn thành, đạt tỷ lệ 98%. Còn lại 5 xã đang tính toán việc khớp nối với quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai và quy hoạch chung TP.Tam Kỳ.
Nhằm tạo động lực phát triển mạnh kinh tế hộ, 3 năm qua Quảng Nam tiến hành đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khoảng 14 nghìn lao động ở khu vực nông thôn. Theo thống kê, ngoài số tiền 335 tỷ đồng do ngân sách trung ương (TW), tỉnh, huyện, xã đầu tư thì gần cuối năm 2010 đến nay, các địa phương, đơn vị liên quan đã lồng ghép thêm 2.375 tỷ đồng từ nguồn vốn của những chương trình, dự án khác để xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh. Trong đó, chủ yếu bê tông hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương; xây mới, sửa chữa, nâng cấp hàng trăm công trình điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Nhờ thực hiện hiệu quả đề án thu gom rác thải, chất thải do UBND tỉnh ban hành, đến nay 75,8% số xã trên địa bàn đã có điểm thu gom rác thải sinh hoạt nên tình trạng ô nhiễm môi trường cải thiện đáng kể. Cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch nông thôn bằng các loại hình như hệ thống cấp nước tự chảy, giếng đào, giếng khoan… góp phần đưa tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn tỉnh đến cuối năm 2013 đạt 85%.
Theo đề án “Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Quảng Nam”, về thi công đường giao thông nội đồng và cống qua đường, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% so với suất đầu tư tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, phần còn lại do ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp. Đối với quy hoạch xây dựng xã NTM, ngân sách TW, tỉnh 80%, ngân sách huyện, xã 20% (KV 1); ngân sách TW, tỉnh 90%, ngân sách huyện, xã 10% (KV 2). Về kinh phí đào tạo kiến thức liên quan đến chương trình NTM, UBND tỉnh đề nghị chi 100% từ ngân sách nhà nước, cấp nào phê duyệt kế hoạch đào tạo thì ngân sách cấp đó chi hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, hằng năm UBND tỉnh phân bổ hỗ trợ cho mỗi xã 10 triệu đồng và ban chỉ đạo cấp huyện 20 - 50 triệu đồng từ nguồn vốn TW cấp. Về xây dựng trụ sở xã, mức đề xuất đối với KV 1 là ngân sách TW, tỉnh 70% , ngân sách huyện, xã 30%; còn KV 2, ngân sách TW, tỉnh 80%, ngân sách huyện, xã 20%. |
Theo ông Nguyễn Văn Gặp – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân nên đến nay nhóm xã đạt 15 - 18 tiêu chí là 12 xã, tăng 12 xã so với năm 2010; nhóm xã đạt 10 - 14 tiêu chí là 28 xã, tăng 24 xã; nhóm xã đạt 5 - 9 tiêu chí là 70 xã, tăng 45 xã; nhóm xã đạt dưới 5 tiêu chí là 96 xã, giảm 81 xã. Hiện bình quân tiêu chí đạt chuẩn của tất cả 206 xã là 5,98 tiêu chí/xã, tăng 1,16 tiêu chí/xã so với cách đây 3 năm. Trong khi đó, đối với 50 xã điểm, đến giờ này đạt mức bình quân 10,06 tiêu chí/xã, tăng 2,14 tiêu chí/xã so với năm 2010...
Xác định “khung” vốn
Thời gian qua, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM bộc lộ không ít tồn tại, rõ nhất là khâu huy động nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế; những đơn vị liên quan chậm tham mưu ban hành cơ chế, giải pháp lồng ghép các nguồn vốn và quy định tỷ lệ hỗ trợ các nội dung, công việc của chương trình theo Quyết định số 695 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến kết quả thực hiện bộ 19 tiêu chí ở phần lớn các xã chậm hơn so với lộ trình. Trước tình trạng này, UBND tỉnh vừa xây dựng đề án “Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Quảng Nam” trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp lần thứ 9 này. Đề án được ban hành sẽ làm cơ sở cho các địa phương xác định mức hỗ trợ từ ngân sách các cấp cho từng nội dung, công việc cụ thể để đưa ra bàn bạc, lựa chọn những phần việc ưu tiên đầu tư và có kế hoạch huy động nguồn lực triển khai thực hiện. Đồng thời giúp ngành chức năng cũng như chính quyền cơ sở lồng ghép và quản lý tốt các nguồn vốn phân bổ hằng năm.
Đến nay, 75,8% số xã trên toàn tỉnh đã có điểm thu gom rác thải sinh hoạt.Ảnh: MAI NHI |
Phạm vi áp dụng quy định trên chia thành 2 khu vực (KV). KV 1 áp dụng cho những địa phương đồng bằng gồm các xã thuộc Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ 9 xã Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 4 xã Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây). Ngoài ra, KV này cũng trừ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 539 của Thủ tướng Chính phủ. KV 2 áp dụng đối với những xã miền núi, đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn và các xã còn lại của những huyện, thành phố đã nêu ở KV 1.
Theo đề xuất của UBND tỉnh, đối với đường giao thông nông thôn, cống thoát nước thì KV 1 ngân sách TW và tỉnh hỗ trợ 35%, ngân sách huyện, xã, huy động khác 65%; còn KV 2, ngân sách TW, tỉnh 70%, ngân sách huyện, xã, huy động khác 30%. Về xây dựng thủy lợi nhỏ, cả 2 KV được ngân sách TW và tỉnh đầu tư 100% theo các chương trình, dự án có mục tiêu của Nhà nước. Đối với thủy lợi hóa đất màu, ngân sách nhà nước đầu tư 100% hạng mục công trình chính như trạm biến áp, đường dây điện hạ - trung - cao thế; nhân dân tự thực hiện các hạng mục phụ gồm khoan giếng, máy bơm, vật tư lắp đặt giếng, thiết bị tưới; phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng do địa phương và nhân dân đóng góp. Kiên cố hóa kênh mương loại 3, ngân sách TW, tỉnh 60%, ngân sách huyện, xã, huy động khác 40% (KV 1); ngân sách TW, tỉnh 80%, ngân sách huyện, xã, huy động khác 20% (KV 2).
Về xây dựng công trình cấp nước tập trung, các xã đồng bằng vốn ngân sách TW hỗ trợ 60%, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) 30%, nhân dân đóng góp 10%; các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo thì vốn ngân sách TW hỗ trợ tối đa 90%, nhân dân đóng góp 5%, phần còn lại ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) hỗ trợ; các xã nông thôn khác vốn ngân sách TW 75%, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) 15%, nhân dân đóng góp 10%. Đối với công trình cấp nước nhỏ lẻ, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 70% cho hộ nghèo, gia đình chính sách và 35% cho hộ cận nghèo; các hộ khác được dùng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo quy định. Đối với các công trình cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế thuộc loại hình công lập, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100%. Riêng các công trình cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế thuộc loại hình ngoài công lập, UBND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, những nội dung liên quan đến việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp, khuyến nông, xây dựng mô hình và ngành nghề nông thôn... UBND tỉnh đề nghị tiếp tục áp dụng theo các cơ chế của Trung ương và những nghị quyết, quyết định mà HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành trong thời gian qua.
MAI NHI