Xây dựng nông thôn mới ở Điện Bàn: Bước chuyển đồng bộ
Cơ sở hạ tầng đầu tư khang trang, sản xuất phát triển theo hướng bền vững, hộ nghèo giảm… là kết quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Điện Bàn.
Đổi thay
Điện Bàn hiện có 14/19 xã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn (riêng 5 xã vùng cát đang trình công nhận đô thị loại V nên không khảo sát, đánh giá theo bộ tiêu chí). Trong đó, 6 xã gồm Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang triển khai thực hiện điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Những năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng như nhu cầu thiết yếu dân sinh được cải thiện đáng kể. Phong trào hiến đất làm đường trong nhân dân phát triển mạnh với hơn 100.000m2 đất được hiến có giá trị trên 15 tỷ đồng. Thời gian qua, các xã bê tông hóa được 38km mặt đường giao thông nông thôn, hơn 17km giao thông nội đồng; đồng thời kiên cố hóa hơn 27,6km kênh mương. Thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu, huyện tiếp tục xây dựng 0,2km đường dây trung thế, 10,8km đường dây hạ thế và 2 trạm biến áp; xây dựng, nâng cấp 6 trạm bơm điện. Ông Đặng Hữu Lên - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Điện Bàn cho biết thêm, huyện cũng đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được 27 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (xây mới 11 trường) cùng 40 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, 7 chợ nông thôn và xóa được 918 nhà ở tạm.
Kiên cố hóa kênh mương tại cánh đồng mẫu lớn La Hòa. Ảnh: C.T |
Trong sản xuất nông nghiệp, các xã Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phước... hình thành nên vùng chuyên canh lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với chương trình “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng công cụ sạ hàng trong sản xuất rất thành công. Mô hình trồng chuối cấy mô (Điện Hồng), trồng rau an toàn (Điện Phương), chuyên canh rau bồ ngót (Điện Phong), trồng gấc xuất khẩu (Điện Quang), rau thực phẩm (Điện Minh) phát triển mạnh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình cơ giới hóa, bà con đầu tư mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy sấy đã góp phần nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất. Từ đây, giá trị sản xuất không ngừng tăng lên, bình quân đạt trên 98 triệu đồng/ha (tăng 10 triệu đồng so với năm 2010). Các địa phương chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn để bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm. Bình quân thu nhập người/năm của cư dân xã xây dựng NTM tăng lên khá rõ, điển hình như Điện Phong đạt 23,3 triệu đồng, Điện Quang 23,1 triệu đồng, Điện Phước xấp xỉ 21 triệu đồng, Điện Thọ 20 triệu đồng. Hộ nghèo ở huyện chỉ còn 6,03%, giảm 3,16% so với năm 2010.
Điển hình
Điện Bàn đặt mục tiêu đến năm 2015 có 6 xã đạt 19 tiêu chí quốc gia về NTM, năm 2020 các xã còn lại được công nhận xã NTM. Hiện tại, Điện Quang đạt 17 tiêu chí, Điện Phuớc, Điện Trung, Điện Phong, Điện Hồng đạt 14 tiêu chí và Điện Thọ đạt 13 tiêu chí. Các trường học bậc mầm non, tiểu học, THCS ở Điện Bàn cơ bản được tầng hóa; 100% các xã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, 16 xã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THPT. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện khi có 18/19 xã thực hiện đề án “Thu gom xử lý rác thải rắn sinh hoạt”. |
Có thể nói, các xã xây dựng NTM ở Điện Bàn đã có cách làm chủ động, sáng tạo, tùy điều kiện và đặc điểm tình hình của từng nơi. Nói như ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã Điện Quang: “Khi chúng tôi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nội dung chương trình của Đảng và Nhà nước, từ đó xác định rõ việc và lộ trình tổ chức thực hiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước...”. Hiện xã Điện Quang tập trung thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư ứng trước, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Giá trị thu nhập bình quân từ 80 triệu đồng/ha năm 2010, năm 2012 tăng lên 101 triệu đồng. Tại địa phương, hiện có 2 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập bình quân của xã năm 2010 đạt 15 triệu đồng/người, nay nâng lên 23 triệu đồng. Trên 95% số người trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, trong đó cơ cấu lao động nông nghiệp còn 38,5%, hộ nghèo giảm xuống còn 5,06%. Điện Quang là 1 trong 2 xã (xã còn lại là A Nông, Tây Giang) được nhận Cờ thi đua xuất sắc qua 3 năm triển khai xây dựng NTM của UBND tỉnh.
Đi đầu trong “dồn điền đổi thửa”, Điện Phước đã thành công với cánh đồng La Hòa rộng 41ha. Cạnh đó, xã quy hoạch vùng chuyên canh lúa giống 200/500ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao (lúa thơm) rộng hơn 100ha. Chủ tịch UBND xã - ông Đào Cúc cho hay, phong trào “hiến đất làm đường” được người dân hưởng ứng nhiệt tình với hơn 50.000m2 và hơn 6.000 ngày công lao động. Nhờ vậy, xã bê tông hóa được gần 3,8km giao thông nông thôn, hơn 4,12km giao thông nội đồng, kiên cố hóa 3,74km kênh mương. Đầu tư xây dựng cầu Bến Hoán bắc qua sông Hạ Nông với kinh phí 4 tỷ đồng (nhân dân góp 1,5 tỷ đồng), dành 6,5 tỷ đồng xây dựng nhà đa năng. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến đa ngành, đa nghề, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,84%.
CÔNG TÚ