Chưa bền vững
Từ năm 2008 đến nay, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng thực tế cho thấy lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở Quảng Nam bộc lộ không ít tồn tại khiến tiến trình phát triển chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững...
Nhiều hạn chế
Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT, 5 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và đời sống nông dân Quảng Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Rõ nhất là quy hoạch tổng thể ngành nông – lâm – thủy sản chưa được quan tâm triển khai đồng bộ, sản xuất nông nghiệp vẫn nặng về quy mô nhỏ, tỷ suất hàng hóa thấp. Nhiều vùng chuyên canh nông sản chủ lực theo hướng tập trung chưa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở rất nhiều nơi còn chậm, hiệu quả thấp, chưa thực sự tạo được chuyển biến trong đời sống của người dân nông thôn. Cạnh đó, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ ở khu vực nông thôn tăng chậm, chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Tỷ trọng ngành chăn nuôi còn thấp, chỉ dưới 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Dịch bệnh xảy ra thường xuyên khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời gian qua, mặc dù đời sống của nông dân có nâng lên nhưng không nhiều và không đều. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn 15,2%, riêng khu vực nông thôn - miền núi còn nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như Tây Giang 58,25%, Nam Giang 67,92%, Phước Sơn 59,43%, Bắc Trà My 57,85%, Nông Sơn 55,88%, Nam Trà My 75,29%. Chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông thôn với thành thị và giữa các vùng tuy đã được rút ngắn nhưng vẫn còn lớn, khoảng 1,5 lần. Đáng nói hơn, 5 năm nay việc huy động tài chính từ các nguồn ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Quảng Nam vẫn còn thấp. Theo đó, kế hoạch đặt ra là 31,12% trong tổng vốn đầu tư nhưng thực tế cho thấy chỉ đạt 20,5 - 22,5%. Không chỉ vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông – lâm – thủy sản ngày càng giảm sút, từ 11,03% tụt xuống còn 7,3%. Theo ông Nguyễn Văn Gặp – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm qua kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp vẫn chưa thực sự là chỗ dựa vững chắc cho nông dân trong việc tổ chức sản xuất cũng như phát triển các loại hình dịch vụ - kinh doanh nông sản. Ông Gặp nói thêm: “Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn thì dồn điền đổi thửa được xem là một khâu hết sức quan trọng. Vậy nhưng thời gian qua ở Quảng Nam tiến độ triển khai công tác này vẫn còn rất chậm”. Được biết, trong số 44.000ha đất sản xuất lúa và 38.000ha đất canh tác các loại hoa màu thì đến giờ này toàn tỉnh mới chỉ dồn điền đổi thửa được khoảng 17.000ha.
Đặc biệt, những năm qua công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập khiến hằng năm nông dân phải gánh chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Cạnh đó, khâu quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp vẫn chưa kiểm soát một cách chặt chẽ, đồng bộ...
Đâu là nguyên nhân?
Cách đây không lâu, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến thời gian qua lĩnh vực tam nông ở Quảng Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. Về mặt khách quan, nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam có xuất phát điểm thấp. Bên cạnh đó nhiều yếu tố không thuận lợi như đất đai manh mún, địa hình phức tạp, bình quân diện tích đất nông nghiệp chia cho từng hộ không nhiều. Đặc biệt, tình trạng lũ lụt, khô hạn, nhiễm mặn ở một số vùng chưa có giải pháp đối phó hữu hiệu, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra... Những năm qua, kinh tế - xã hội có phát triển nhưng Quảng Nam vẫn là tỉnh nghèo. Trong khi đó, khu vực nông thôn rộng lớn, có đến 50% số huyện là miền núi còn nhiều khó khăn. Dù tỉnh đã rất cố gắng trong việc tăng giá trị đầu tư và huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn nhưng rõ ràng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn.
Về mặt chủ quan, nhiều người cho rằng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là tuyến cơ sở còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện hiệu quả nghị quyết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong tình hình mới. Đặc biệt, giữa cơ chế đề ra và khâu bố trí nguồn lực chưa thực sự đồng bộ. Hệ thống tổ chức ngành nông nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất trong cơ chế thị trường. Phương thức chỉ đạo nặng về hành chính hóa, mạng lưới ngành ở xã, thôn vừa thiếu vừa yếu nên khó triển khai thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, ứng dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, xử lý các vấn đề cấp bách như phòng chống dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả. Những năm qua, ngân sách các cấp đầu tư cho công tác khuyến nông, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất còn nhiều hạn chế. Khâu dự báo thị trường, tiêu thụ sản phẩm là một thách thức lớn hiện nay.
MAI NHI