Ba năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới: Nông thôn khởi sắc
Ngày mai 22.8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Ba năm qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của ngành liên quan, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, bộ mặt nông thôn xứ Quảng đã thực sự khởi sắc.
Từ năm 2010 đến nay Quảng Nam đã đầu tư 328 tỷ đồng để bê tông hóa giao thông nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ |
Xây dựng quy hoạch
Cuối tháng 10.2010, thực hiện Chỉ thị số 22 của UBND tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai xây dựng mô hình NTM tại 213 xã. Để công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành chương trình mang lại hiệu quả cao, ngoài việc thành lập ban chỉ đạo, văn phòng điều phối từ tỉnh đến huyện, các địa phương cũng khẩn trương thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã và ban phát triển thôn. Song song với công tác tổ chức bộ máy hoạt động, Quảng Nam đặc biệt chú trọng khâu tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở tuyến cơ sở. Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, từ năm 2010 đến nay huyện đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho hơn 1 nghìn lượt người là lãnh đạo các ngành liên quan, thành viên ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã, các chi, tổ hội nông dân và bí thư chi bộ, trưởng thôn trên toàn địa bàn huyện về những nội dung chính như khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn và xây dựng đề án NTM. Đồng thời, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Đặc biệt, hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng đồ án quy hoạch, quản lý quy hoạch và lập đề án phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng rất quan tâm đến khâu tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về công tác tuyên truyền, vận động, lập kế hoạch, mở tài khoản, cơ chế tạm ứng, thanh toán, quyết toán các dự án thuộc chương trình xây dựng NTM.
Không riêng huyện Quế Sơn, thời gian qua nhiều địa phương khác cũng làm khá tốt công tác tập huấn cho lực lượng trực tiếp lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện mô hình này. Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT, 3 năm nay toàn tỉnh đã tổ chức gần 890 lớp tập huấn về các chuyên đề liên quan đến chương trình xây dựng NTM thu hút sự tham gia của hơn 62.600 lượt người. Nhờ vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các bước được thuận lợi. Ông Quang cho biết thêm, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, cuối năm 2010 đến nay chính quyền các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức hơn 12 nghìn buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn cho ít nhất 15 vạn cán bộ, hội viên thuộc các hội, đoàn thể.
Trong xây dựng NTM, khâu quy hoạch được xem là yếu tố quyết định sự thành công, nhất là trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Xác định được tầm quan trọng đó, 3 năm qua Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến công tác này. Ông Nguyễn Văn Gặp – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay toàn tỉnh đã phê duyệt quy hoạch được 201 xã, chiếm tỷ lệ 98%. Trong đó, có 175 xã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm, còn 26 xã hoàn thành quy hoạch chung, chưa quy hoạch chi tiết khu trung tâm. Theo ông Gặp, hiện có 12 xã không lập quy hoạch xây dựng NTM gồm Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) và Điện Nam Bắc, Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Dương, Điện Nam Đông (Điện Bàn) vì các địa phương này đã có quy hoạch phát triển đô thị hoặc quy hoạch phát triển công nghiệp nên chỉ lập đề án phát triển sản xuất. Trong khi đó, xã Tam Phú, Tam Thanh (Tam Kỳ) nằm trong quy hoạch chung phát triển thành phố đang được triển khai, chuẩn bị phê duyệt; còn xã Tam Anh Nam, Tam Quang, Tam Hiệp (Núi Thành) nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai...
Phát triển sản xuất
Hiện nay, mỗi vụ nông dân toàn tỉnh canh tác khoảng 78.000ha lúa và cây trồng cạn các loại. Thế nhưng, năm 2009 trở về trước, do đất đai manh mún, điều kiện kinh tế của nông dân còn eo hẹp nên việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ các khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thời điểm ấy, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch bình quân cả nước là 75% diện tích, trong khi đó ở Quảng Nam chỉ đạt 55 - 60%. Trước thực tế trên, từ khi triển khai xây dựng mô hình NTM trên diện rộng, Quảng Nam tập trung thực hiện công tác dồn điền đổi thửa để xóa bỏ tình trạng đất đai phân tán, nhỏ lẻ. Đồng thời, giữa tháng 11.2011 UBND tỉnh ban hành quyết định quy định cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo thống kê, năm 2012, thực hiện cơ chế này, các ngành chức năng đã giải ngân 5 tỷ đồng tiền hỗ trợ để các hợp tác xã và nông dân trên địa bàn Phú Ninh, Điện Bàn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Núi Thành, Đại Lộc, Thăng Bình, Hội An, Tam Kỳ có điều kiện mua hàng trăm máy cày 4 bánh, máy gặt đập liên hợp. Được biết, năm 2013 này số tiền ngân sách tỉnh chi hỗ trợ theo cơ chế này khoảng 8 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay số diện tích đất canh tác được cơ giới hóa của tỉnh đã tăng lên 80 - 85%.
Hơn 2.300 tỷ đồng phát triển nông nghiệp - nông thôn Ngoài số tiền hơn 334 tỷ đồng do ngân sách các cấp đầu tư, 3 năm nay các ngành, địa phương đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn khác để đầu tư thêm gần 2.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, chi cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương đạt các tiêu chí NTM Từ khi triển khai thực hiện trên diện rộng, số xã cơ bản đạt chuẩn về các tiêu chí NTM tăng lên đáng kể so với thời điểm cuối năm 2010. Cụ thể, hiện nay nhóm xã đạt 15 - 18 tiêu chí là 12 xã, tăng 12 xã; nhóm xã đạt 10 - 14 tiêu chí là 27 xã, tăng 23 xã; nhóm xã đạt 5 - 9 tiêu chí là 70 xã, tăng 45 xã; nhóm xã đạt dưới 5 tiêu chí là 97 xã, giảm 59 xã. |
Ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: "3 năm gần đây công tác dồn điền đổi thửa đã được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 17.000ha đất nông nghiệp thực hiện xong khâu dồn điền đổi thửa. Ông Lợi cho biết, năm 2013, Quảng Nam hình thành được hơn 80 cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao với tổng diện tích 4.000ha đất. Bình quân 1ha cho nông dân mức thu nhập 80-100 triệu đồng”.
Ngoài việc nỗ lực xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thời gian qua nhờ được tiếp cận với không ít nguồn vốn vay ưu đãi, nông dân nhiều địa phương cũng mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh mang lại hiệu quả cao. Theo ông Lợi, đầu năm 2011 đến nay, dư nợ cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn tăng trưởng khá mạnh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 259 nghìn hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông sản chủ lực với tổng số tiền xấp xỉ 6.345 tỷ đồng, tăng 34% so với cách đây 3 năm.
Không chỉ lo hỗ trợ phát triển sản xuất, những năm qua Quảng Nam cũng dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo đó, cuối năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã chi 328 tỷ đồng bê tông hóa nhiều tuyến đường liên xóm, liên thôn, liên xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư 620 tỷ đồng thi công hệ thống điện và 87 tỷ đồng nâng cấp, xây mới nhiều ngôi chợ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh dạy nghề cho gần 151 nghìn người, trong đó hơn 90% là lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động sau khi tốt nghiệp các khóa học nghề tìm được việc làm ổn định đạt khoảng 80%. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
NGUYỄN VĂN SỰ