Hiệu quả từ mô hình điểm

MAI NHI - VINH ANH 25/03/2013 09:00

Tháng 8.2011, khi chính thức phát động xây dựng nông thôn mới (NTM), chính quyền xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) quyết định chọn thôn Trung Vĩnh làm mô hình điểm. Thời gian qua, nhờ tập trung phát huy tối đa nội lực, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó tiêu chí về bảo vệ môi trường là thành công nhất.

Sạch từ trong làng ra ngoài ruộng

Thôn Trung Vĩnh nằm về phía đông xã Quế Xuân 1, hơn 260 hộ dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Lâu nay, trong sản xuất lúa và rau màu, nông dân dùng rất nhiều loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng sau khi sử dụng, phần lớn những chai lọ, bao bì đều vứt ngổn ngang khắp đồng. Còn ở khu dân cư, túi ni lông và những chất thải rắn khó phân hủy đều không được thu gom, xử lý khiến môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chi bộ, Ban nhân dân thôn phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Ông Phan Tấn Hùng - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trung Vĩnh cho biết, qua nhiều lần tổ chức họp 4 tổ đoàn kết để lấy ý kiến, đại đa số nhân dân đều thống nhất triển khai dịch vụ thu gom rác thải tại các khu dân cư nên địa phương bắt tay vào thực hiện. Ngoài việc mỗi gia đình đều có một sọt rác nhỏ thì trên những trục đường chính của thôn còn đặt hàng chục thùng chứa rác lớn. Theo hợp đồng, cứ mỗi tháng một lần, Công ty TNHH một thành viên Môi trường - đô thị Quảng Nam đưa xe cơ giới và nhân công ra thu gom tất cả các loại rác thải chở đi với mức thu lệ phí mỗi hộ 10 nghìn đồng/chuyến.

Tình trạng vứt bừa bãi chai lọ đựng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng không còn nữa. Ảnh: VINH ANH
Tình trạng vứt bừa bãi chai lọ đựng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng không còn nữa. Ảnh: VINH ANH

Là chủ một quầy tạp hóa, bà Trương Thị Công ở thôn Trung Vĩnh luôn “đau đầu” với việc tiêu hủy các loại chất thải rắn như bao bì, túi ni lông… Nhiều lần, rác thải ứ đọng quá nhiều mà không có nơi tiêu hủy nên bà đành phải châm lửa đốt làm khói và mùi hôi khét bay lên rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mấy tháng nay, kể từ khi tham gia dịch vụ thu gom rác, bà đều đặn mang rác bỏ vào thùng để đến cuối tháng xe tới chở đi tiêu hủy. Bà Công chia sẻ: “Lâu dần thành quen, chừ khi có rác là tôi đem bỏ ngay vào thùng. Nhờ vậy, trong nhà ngoài ngõ luôn gọn gàng, sạch sẽ”.

Bây giờ, lội trên đồng ruộng của thôn Trung Vĩnh, cảnh chai lọ, bao bì vứt bừa bãi như trước đây đã không còn nữa mà được gom lại bỏ vào 13 bể chứa bằng bê tông xi măng đặt khắp các cánh đồng. Ông Ngô Sương - một người dân địa phương phấn khởi: “Gần 2 năm nay, từ khi được tuyên truyền vận động, ý thức của mọi người đã thay đổi. Chừ ai mà lỡ tay vứt rác bừa bãi cũng đều cảm thấy xấu hổ với người xung quanh và tự giác lượm lại bỏ vào bể chứa. Nhờ vậy mà đồng ruộng đã sạch hơn”.

Đồng bộ trong chỉ đạo và thực hiện

Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM, có nhiều tiêu chí phải dựa hoàn toàn vào sức dân, không nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, trong đó tiêu chí về môi trường là một ví dụ. Bởi vậy, để hoàn thành tiêu chí này là việc không hề dễ dàng với chính quyền các địa phương. Ông Lê Nho Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Sơn nói: “Xác định rõ vấn đề này, ngay từ đầu chúng tôi đã khẩn trương lập kế hoạch và quyết liệt chỉ đạo xây dựng điểm khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng NTM, bảo vệ môi trường. Thôn Trung Vĩnh của xã Quế Xuân 1 là một trong 3 mô hình điểm ở Quế Sơn”.

Ông Trương Liền - Bí thư Chi bộ thôn Trung Vĩnh cho rằng, để có được kết quả như hôm nay, từ lúc được chọn là mô hình điểm, Chi bộ, Ban nhân dân, Mặt trận thôn luôn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền để nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn liền với xây dựng NTM”. Đại hội Chi bộ thôn nhiệm kỳ 2012 - 2014 đã thống nhất chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng toàn dân thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư và cả bao bì, chai lọ ngoài đồng ruộng. Ông Liền chia sẻ: “Xác định công tác tuyên truyền là khâu quan trọng nhất nên trước tiên chúng tôi tập trung vận động cán bộ, đảng viên trong thôn làm gương, đi đầu trong việc thực hiện. Ban đầu, một số người dân chưa hiểu, chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường nhưng khi thấy được ý nghĩa thì ai cũng đồng tình ủng hộ”.

Để việc bảo vệ môi trường thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân hưởng ứng tích cực còn phải kể đến công tác vận động, tuyên truyền của cán bộ mặt trận, các hội đoàn thể trong khu dân cư. Theo bà Nguyễn Thị Thủy Triều - Tổ trưởng tổ phụ nữ số 3 của thôn Trung Vĩnh, để người dân hiểu về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, đôi khi những người làm công tác tuyên truyền phải kiên nhẫn mới thành công. Bà Triều được phân công thu tiền lệ phí xử lý rác thải của từng hộ dân trên địa bàn tổ 3. Tuy nhiên, có không ít hộ lấy lý do là “nhà không có rác” để tránh việc nộp tiền. Bà Triều nói: “Đối với những trường hợp này, chúng tôi phải đến nhà hết lần này tới lần khác thuyết phục, tuyên truyền nên nhiều người đã hiểu ra và tham gia đóng góp”.

MAI NHI - VINH ANH

MAI NHI - VINH ANH