Đại Hiệp bứt phá

10/12/2012 01:26

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lòng dân đồng thuận, bộ mặt nông thôn xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) có nhiều chuyển biến tích cực. Địa phương này đang thực hiện những cuộc chạy đua nước rút nhằm xây dựng thành công mô hình nông thôn mới sớm hơn lộ trình đặt ra...

alt
Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở Đại Hiệp.Ảnh: Văn Sự

Trả lại sổ... nghèo

Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp bảo rằng, sức mạnh và cũng là lợi thế khi triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới ở địa phương chính là ý thức trách nhiệm, sự đồng lòng của đại bộ phận nhân dân. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động luôn được lãnh đạo xã đặc biệt chú trọng. “Khi có chủ trương gì, chúng tôi cũng đều đem ra bàn bạc cụ thể tại các cuộc họp dân để nghe góp ý. Nhờ phát huy tính dân chủ nên địa phương thực hiện việc gì cũng rất thuận lợi, nhanh chóng”- bà Hồng nói. 

Câu chuyện giảm số hộ nghèo ở Đại Hiệp là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh của khâu tuyên truyền. Sau khi cùng Đảng ủy, Mặt trận, các hội, đoàn thể bàn thảo, thống nhất tuyên truyền, vận động tập trung vào bậc cao niên - những “công dân có uy tín và gương mẫu”, lãnh đạo địa phương thay nhau xuống từng thôn xóm cùng tham gia vào các cuộc họp của chi hội Người cao tuổi. Qua đó, cán bộ xã lồng ghép tuyên truyền cho các cụ vận động khuyên nhủ con cháu chăm chỉ lao động, đừng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, nhiều cán bộ xã cũng thông tin cho các cụ về những kênh vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ và nhờ các cụ về chỉ bảo với con cháu mình tìm hướng tiếp cận. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức, thông qua Ban dân chính các thôn, ngành liên quan của xã tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân tự nỗ lực thoát nghèo. So với trước đây, bây giờ đa số người dân đã có ý thức tự tìm kiếm cơ hội thoát nghèo. Họ chủ động xin vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc, trong khi vẫn tranh thủ sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống; hoặc nhận gia công giày, lưới tại nhà để nâng cao nguồn thu nhập. “Đó là lợi thế của chúng tôi. Và chính quyền xã chỉ thực hiện việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bằng cách lồng ghép các chương trình như Chương trình 167, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ cho nhân dân vay qua kênh của ngân hàng chính sách đã lên tới 8,5 tỷ đồng với 720 hộ được vay. Khảo sát mới đây cho thấy, hầu hết những hộ được vay ưu đãi đều sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đời sống không ngừng cải thiện” - bà Hồng chia sẻ.

Điều khiến chính quyền xã Đại Hiệp bất ngờ là gần đây nhiều bậc cao niên đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Cụ Nguyễn Tuân (82 tuổi, ở thôn Đông Phú) rất vui khi tự mình trả lại sổ nghèo. Cụ nói: “Tuy mấy đứa con không khá giả gì nhưng chúng luôn hiếu thảo phụng dưỡng nên tôi nghĩ không thiết chi phải là hộ nghèo để nhận tiền hỗ trợ từ phía nhà nước. Về ở với con cháu là an nhàn tuổi già rồi, chẳng muốn làm gánh nặng cho xã hội”.

Trước khi xây dựng nông thôn mới tỷ lệ hộ nghèo ở Đại Hiệp gần 12%, đến cuối năm 2011 giảm còn 6,2%. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo bà Hồng, hiện nay tỷ lệ đó còn khoảng 3 - 4%, đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Khởi sắc

Đại Hiệp có tổng cộng 340ha đất canh tác lúa. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, địa phương này cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Nhờ thế, đến nay toàn bộ số diện tích trên đã cơ bản chủ động nước tưới. Thời gian qua được ngành nông nghiệp Đại Lộc giúp sức, chính quyền xã Đại Hiệp cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn giống để cung ứng cho nông dân gieo sạ đại trà. Đặc biệt, để nhanh chóng tăng năng suất lúa, xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn ở huyện tổ chức nhiều khóa tập huấn, chuyển giao quy trình thâm canh mới cho nhân dân. Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Bảy năm trở lại đây, năng suất lúa của Đại Hiệp liên tục tăng. Năm 2005, năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 53 - 55 tạ/ha thì nay đã tăng lên 60 - 65 tạ/ha”.

“Mặc dù mới tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình nông thôn mới vào ngày 24.3.2011 nhưng tới nay xã Đại Hiệp đã đạt được 14/19 tiêu chí do Trung ương quy định. Theo kế hoạch, đến năm 2015 địa phương sẽ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện quyết liệt như thời gian qua, chắc chắn địa phương sẽ cán đích sớm”. (Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp)

Nông nghiệp hàng hóa là hướng đi tất yếu trong tiến trình phát triển tam nông. Xác định được tầm quan trọng đó, ngoài việc tạo bước đột phá cho cây lúa, vài năm trở lại đây xã Đại Hiệp đã quyết định chọn mô hình trồng chuối lùn chuyên canh làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Để thực hiện thành công mô hình ấy, một vùng trồng chuối theo phương thức tập trung đã được quy hoạch bài bản với tổng diện tích 130ha, trải dài trên địa bàn 4 thôn. Ông Nguyễn Niên ở thôn Phú Mỹ có 2ha đất chuyên canh chuối lùn, năm ngoái cho thu hơn 300 triệu đồng. Năm 2012 này, ông cũng bỏ túi xấp xỉ số tiền ấy. Ông Niên hồ hởi: “Ở vùng ni, nếu năm nào thời tiết cũng thuận lợi thì 1ha chuối lùn thu về 150 triệu đồng là chuyện thường”. Hiện nay, tại Đại Hiệp có khoảng 70 hộ trồng chuối lùn chuyên canh. Ước tính, trừ mọi khoản chi, hằng năm 1ha chuối nông dân nơi đây lãi ròng hơn 120 triệu đồng...

Kinh tế hộ phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn của Đại Hiệp ngày càng khang trang hơn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đã và đang được xã nỗ lực đầu tư xây dựng. Đến nay, địa phương đã có 2 tuyến đường bê tông rộng 4,5m với tổng chiều dài hơn 2km. Xã cũng đang giúp các thôn xây dựng, tu sửa nhà văn hóa đúng chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Như nhà văn hóa thôn Phú Đông đang được xây mới có diện tích 2.000m2 với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện giờ, tiêu chí về môi trường tại Đại Hiệp cơ bản đạt chuẩn, bởi gần đây người dân ở các khu dân cư tiến hành ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Môi trường - đô thị Quảng Nam thu gom, xử lý rác thải với tần suất mỗi tuần 2 lần nên tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đã chấm dứt...

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO