Vực dậy ngành cơ khí

CHIÊU THỤC ANH 28/02/2014 13:46

Thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) ngành công thương Quảng Nam vừa xây dựng đề án phát triển ngành cơ khí trên địa bàn xã NTM giai đoạn 2013 - 2020.

Phát triển ngành cơ khí là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thành công chương trình xã nông thôn mới. Ảnh: C.T.A
Phát triển ngành cơ khí là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thành công chương trình xã nông thôn mới. Ảnh: C.T.A

Phân bố không đồng đều

Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương, ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh hiện được chia làm hai khu vực. Một là doanh nghiệp cơ khí nằm ngoài khu, cụm công nghiệp có quy mô nhỏ và phân bố không đều. Số lượng lớn các cơ sở cơ khí tập trung ở các huyện đồng bằng như Duy Xuyên, Ðại Lộc, Ðiện Bàn... chuyên sản xuất các loại nông cụ cầm tay và gia công sửa chữa các loại máy nông nghiệp, chế biến khác; cơ khí xây dựng, cơ khí chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó, còn có một số cơ sở sản xuất cơ khí tương đối lớn hơn có trang bị máy công cụ (như máy dập, máy búa) tham gia sản xuất chi tiết máy phục vụ ngành khai khoáng; hay tham gia sản xuất kinh doanh máy nông nghiệp và máy chế biến khác như Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng, Công ty TNHH Sản xuất thiết bị cơ – điện Quang Mai... Các doanh nghiệp cơ khí nằm trong khu, cụm công nghiệp thì có quy mô lớn, hầu hết là dự án đầu tư mới, máy móc thiết bị công nghệ tương đối hiện đại, các quy trình sản xuất áp dụng công nghệ tự động hóa; sản phẩm cơ bản chiếm ưu thế và tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia lân cận như các sản phẩm của Công ty CP Sản xuất kinh doanh Toàn Mỹ miền Trung, Công ty TNHH Ching Sing piston Việt Nam, Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty TNHH Thép Trường Thành...

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, toàn tỉnh có 1.165 cơ sở sản xuất kinh doanh cơ khí; trong đó có 71 doanh nghiệp và 1.094 cơ sở hộ cá thể nhưng phân bố không đồng đều; tập trung nhiều ở các huyện đồng bằng, rải rác ở miền núi. Điều này gây bất lợi cho phát triển kinh tế của các địa phương. Vì vậy, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển ngành công nghiệp chủ lực này. Bởi, nếu không có trợ sức từ tỉnh và ngành liên quan, ngành cơ khí sẽ còn gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất ở miền núi thường thiếu máy móc thiết bị để gia công. Còn các cơ sở cơ khí ở đồng bằng chiếm 92% tổng số cơ sở trên toàn tỉnh (1.064/1.165 cơ sở), đa số đã trang thiết bị máy công cụ, mặt bằng sản xuất được mở rộng và sản xuất có quy củ hơn. “Đa số các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn còn yếu và chỉ phục vụ xây dựng nhỏ, chưa có sự liên kết; vốn không lớn, chưa có định hướng lâu dài, đội ngũ  lao động chưa qua đào tạo chuyên ngành cơ khí sửa chữa, chế tạo máy... Vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu sửa chữa, chế tạo máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp ở nông thôn trên địa bàn các xã NTM, là trở ngại không nhỏ để phát triển trong thời gian đến” - ông Võ Ngọc Nghĩa, chuyên viên Phòng Công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết.

Đáp ứng nhu cầu xã NTM

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương vừa xây dựng đề án “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cơ khí trên địa bàn xã NTM tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2013 – 2020”. Theo đó, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cơ khí trên địa bàn xã NTM nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn, góp phần quan trọng để các xã NTM đạt được tiêu chí số 10 về thu nhập trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh. Ngoài ra, góp phần xây dựng hệ thống doanh nghiệp cơ khí để phối hợp hoạt động, bảo đảm việc kinh doanh, gia công sửa chữa và chế tạo các loại máy công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển xã NTM trên địa bàn đến năm 2020. Ông Nguyễn Hữu Lâm – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lâm Tiên Phong (thôn 4, Tiên Phong, Tiên Phước) cho biết: “Thời gian qua, công ty cũng được trợ sức từ phía địa phương như hỗ trợ vay vốn mua máy móc với lãi suất thấp. Tuy nhiên, nếu có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ khi đề án phát triển ngành cơ khí thực thi thì chúng tôi chắc chắn sẽ tự tin hơn để mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, giải quyết việc làm cho nhiều nhân công trên địa bàn xã”.

Đề án đã đưa ra một số định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành cơ khí trên cơ sở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí hiện có. Và tùy theo điều kiện cụ thể mà tổ chức thành lập tổ hợp tác liên kết lại các cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ lẻ để có đủ năng lực và cùng nhau sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cơ khí có đủ năng lực về tài chính, công nghệ và nhân lực thì thành lập doanh nghiệp siêu nhỏ ngành cơ khí thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Chúng tôi cũng đưa ra định hướng gia công sửa chữa, chế tạo các loại máy nông nghiệp và công nghiệp nông thôn; gia công chế tạo hầu hết các loại phụ tùng sửa chữa, thay thế cho các loại máy nông nghiệp và công nghiệp nông thôn hiện có, chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại máy có kết cấu phù hợp với quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH