Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hai gam màu đối lập

NGUYỄN DƯƠNG 27/12/2013 12:39

Thay đổi phương thức, hình thức đào tạo nghề bước đầu đã mang lại kết quả khả quan cho các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn. Nhưng có sự đối lập khá rõ giữa miền núi và đồng bằng.

Đào tạo nghề phải sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Anh: N.D
Đào tạo nghề phải sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Anh: N.D

Miền núi: Khó khăn

Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - miền núi được thành lập vào năm 2008 tại thôn Pà Dồn, xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Nhiệm vụ của nhà trường là tư vấn, đào tạo nghề ở 2 cấp: trung cấp và sơ cấp nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. “Mặc dù được miễn phí hoàn toàn chi phí học tập, thậm chí còn được nhận học bổng chính sách trên 800 ngàn đồng/ tháng nhưng số  lao động người dân tộc thiểu số tham gia học nghề tại trường còn quá ít. Hầu hết người lao động đều chọn những ngành nghề đi học là để về làm cán bộ ở các huyện, xã hoặc muốn làm giáo viên chứ không muốn làm công nhân. Những ngành nghề này rất hạn chế chỉ tiêu nên khó có thể có việc làm cho người lao động…”- ông Nguyễn Quí Quý, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - miền núi cho biết.

“Để việc đào tạo nghề đạt được hiệu quả cao, cần phải bám sát với thực tiễn của từng địa phương, tùy theo nhu cầu của nông dân, người lao động. Bởi hơn ai hết, họ biết được mình muốn gì, cần gì và họ có thể làm được những gì. Không nên cứng nhắc để rồi không đạt được hiểu quả như mong muốn…”.
(Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)

Cũng theo ông Quý, người lao động dân tộc thiểu số theo học ở trường còn tâm lý cộng đồng rất cao. Nghĩa là một nhóm học sinh ở cùng sinh hoạt với nhau, khi một trong số đó bị kỷ luật thì tất cả đồng loạt bỏ học. Điều này gây nên tình trạng nghỉ học giữa chừng rất lớn tại trường.

Đối với những lao động đã tốt nghiệp và được giới thiệu việc làm tới các doanh nghiệp thường xảy ra tình trạng bỏ việc vì không quen với tác phong công nghiệp. Điều này đã tạo tâm lý e ngại cho một số doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số. Ông Tơ Ngôl Với, Chánh văn phòng huyện Nam Giang chia sẻ: “Có một trường đào tạo nghề, đặc biệt là gắn với việc làm cho người lao động địa phương nói riêng và khu vực miền núi trong tỉnh nói chung là một cơ hội lớn để người dân có được một ngành nghề, đảm bảo thu nhập ổn định. Tuy nhiên, một số lao động vẫn chưa thực sự tâm huyết đối với việc học nghề, kể cả khi đã tốt nghiệp, có việc làm họ cũng không mặn mà với cái nghề mình đã học. Đây là một bài toán khó, cần phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và trung tâm đào tạo nghề để có thể tuyên truyền sâu rộng, rõ nét nhất lợi ích khi học nghề, khi đó mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn…”.

Miền xuôi: Khởi sắc

“Việc đào tạo nghề theo nhu cầu, đào tạo lưu động cũng đã được trường áp dụng từ năm 2012 theo Quyết định số 1956/ QĐ- TTg bước đầu cũng đã tạo nên được bước đột phá, khởi sắc với những thành quả đạt được. Tuy nhiên, nhà trường vẫn đang gặp khó khăn trong việc quản lý đào tạo, quản lý học viên; việc ăn ở, sinh hoạt của giáo viên chưa được đảm bảo… Đây cũng chính là rào cản lớn nhất, đòi hỏi phải có sự quan tâm, chia sẻ của các cấp chính quyền để có thể vượt qua”.
(Ông Nguyễn Quí Quý, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Thanh niên - miền núi)

Trong khi đó, Trung tâm Đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm của Hội Nông dân tỉnh đang từng bước khẳng định được vị thế của mình đối với người lao động. “Hình thức dạy, đào tạo nghề lưu động ngay tại các địa phương có nhu cầu đào tạo thực sự đã mang lại hiệu quả cao đối với công tác dạy và học. Đây chính là hình thức cầm tay chỉ việc nên sức tiếp thu của nông dân cũng được nâng cao thấy rõ” - ông Trần Xuân Hà, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho biết. Chỉ tính riêng trong năm 2013, trung tâm đã tổ chức khai giảng 81 lớp với hơn 2500 lao động tham gia các khóa đào tạo. Đến thời điểm hiện tại, trường đã tổ chức bế giảng, cấp chứng chỉ cho trên 2200 lao động. “Đối với những ngành nghề phi nông nghiệp thì trước lúc đào tạo, trường đã liên kết, cam kết với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn để gắn việc làm đối với người lao động sau đào tạo, đảm bảo công việc ổn định cho họ. Chính vì vậy, hiệu quả đạt được rất cao” - ông Hà nói thêm.

Mỗi khi tổ chức một khóa đào tạo nghề tại địa phương, trung tâm đều cố gắng kết nối, phối hợp lồng ghép các chương trình kinh tế của địa phương vào khóa đào tạo, qua đó có sự so sánh giữa cách làm thông thường và cách làm sau khi đào tạo. Mỗi khóa học phải xây dựng được từ 1-2 mô hình thực nghiệm để từ đó nông dân có thể trực tiếp rút ra kinh nghiệm sản xuất cho mình. Ông Hà dẫn chứng: như ở Quế Sơn, trung tâm tổ chức dạy cho người dân sản xuất lúa năng suất cao, địa phương đã cung cấp giống để lớp có thể thực nghiệm trên 11ha lúa ở địa phương. Kết quả cuối cùng cho thấy, cùng 1 loại giống, nhưng đối với 11ha của lớp thực nghiệm đạt được năng suất cao hơn so với cách làm thông thường của địa phương. Từ đó nhân rộng cách làm, mô hình sản xuất này.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG