Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Những cách làm hay

HOÀNG LINH 09/10/2013 14:25

Có rất nhiều cách làm hay về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở một số địa phương trong tỉnh.

1. Trong 3 năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) được triển khai sâu rộng trong toàn dân. Bây giờ, người dân Duy Phước khi được hỏi về học nghề, họ đều hiểu về chính sách và tham gia khá nhiệt tình. Chị Lê Thị Trang (thôn Triều Châu, xã Duy Phước), một người khuyết tật đã tham gia học nghề mây - tre - đan nói: “Có rất nhiều nghề được dạy cho người dân, ai phù hợp nghề nào thì học nghề nấy. Bản thân tôi là người khuyết tật nên tôi chọn nghề mây - tre - đan để nhận hàng gia công những lúc rảnh rỗi, bên cạnh nghề may tôi đã học trước đó. Mấy anh chị ở xã, thôn rất nhiệt tình vận động người dân đi học, họ đến tận từng nhà để giải thích, vì thế chúng tôi đều biết chế độ, chủ trương học nghề của Nhà nước”.

Học viên học nghề may công nghiệp ở Tiên Phước đều có giải quyết việc làm tại doanh nghiệp hoặc tự may ở nhà.Ảnh: H.L
Học viên học nghề may công nghiệp ở Tiên Phước đều có giải quyết việc làm tại doanh nghiệp hoặc tự may ở nhà.Ảnh: H.L

Xã Duy Phước đã linh hoạt lồng ghép nguồn lực xây dựng nông thôn mới với các chương trình, dự án, đề án liên quan đến đào tạo nghề nhằm giúp cho người dân học được nghề phù hợp, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và phát triển kinh tế. Bà Huỳnh Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước, cho biết: “Đảng ủy, HĐND đã ban hành nghị quyết về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đào tạo nghề cũng được xác định gắn với nhiệm vụ của từng cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư. Mỗi thôn chúng tôi đều có một cộng tác viên đào tạo nghề. Cộng tác viên sẽ có nhiệm vụ tuyên truyền đầy đủ các chính sách, chế độ, nghĩa vụ đến với người dân để người dân hiểu và tham gia học nghề”. Ngoài ra, xã Duy Phước còn cắt cử cán bộ tham gia những lần khảo sát đối tượng học nghề do các trường, trung tâm thực hiện. Từ đó, nhu cầu học nghề của người dân được UBND xã nắm rất rõ, có thể chủ động lên kế hoạch đào tạo nghề cho nhân dân trong thời gian dài.

2. Hơn 70 phụ nữ của 2 phường An Sơn và An Phú (TP.Tam Kỳ) gần đây thường xuyên đến lớp học nấu ăn vào mỗi chiều tối. Lớp học được tổ chức vào buổi tối để tạo điều kiện cho nhiều chị em tham gia. Trong khi khảo sát chọn đối tượng học nghề, Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cùng với UBND phường An Sơn, An Phú đã chú ý đến nguyện vọng của người học nghề, đó là được học ban đêm để có thể tranh thủ thời gian. Giáo viên dạy nghề đã nhiệt tâm, người đi học lại càng nhiệt tình hơn. Ai cũng hăng hái, hỏi han chia sẻ kinh nghiệm trong cách thức nấu ăn. Nhiều chị đang phục vụ nấu ăn nhà hàng, nấu ăn đám tiệc cũng đăng ký đi học để bổ sung thêm kiến thức, biết cách chế biến món ăn ngon hơn, đẹp mắt hơn. Bà Trần Thị Bộ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP. Tam Kỳ nhận xét: “Lớp học mở ban đêm là theo nguyện vọng của chị em nên các chị tham gia nhiệt tình. Mở ban ngày không có người học, mở ban đêm họ mới học được thì cả cán bộ quản lý, giáo viên phải chịu khó, nhằm giúp chị em phụ nữ có được cái nghề phù hợp, nâng cao thu nhập. Dù học ban đêm nhưng lớp lúc nào cũng đông đủ nên rất vui, tạo nên khí thế, động lực cho cả người học và người dạy”.

3. Dạy học ban đêm cũng là cách mà Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước chọn để đào tạo nghề cho bà con nông dân xã Tiên Cảnh. Lớp đào tạo nghề trồng cây năng suất cao được mở vào trúng mùa vụ, vì thế chỉ có thể mở vào ban đêm. “Người dân muốn được học lý thuyết vào buổi tối, còn thực hành thì học ban ngày trên đồng ruộng sẽ tiện lợi hơn. Vì thế chúng tôi cùng trung tâm dạy nghề chọn cách dạy theo ý của người dân. Không chỉ lớp thực hành trên đồng ruộng mới đông học viên, lớp buổi tối dạy lý thuyết cũng duy trì được số lượng người học”.

Sự quan tâm, cùng vào cuộc của chính quyền huyện Tiên Phước đã giúp công tác đào tạo nghề ở huyện đạt được nhiều kết quả. Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết: “Huyện Tiên Phước đã xác định đào tạo nghề là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn. Trước khi thực hiện đề án, Tiên Phước khảo sát, đánh giá thực trạng lao động việc làm trên địa bàn, từ đó phân định được lực lượng lao động bao nhiêu, chất lượng như thế nào để có hướng đào tạo nghề phù hợp. Cùng với đề án 1956, nhiều chương trình, dự án khác về đào tạo nghề được lồng ghép nhằm giúp người dân tiếp cận học nghề bằng mọi điều kiện”. Vào mỗi cuộc họp giao ban hàng tháng với các xã, thị trấn, nhiệm vụ đào tạo nghề được nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên. Chính sách, chủ trương được tuyên truyền bằng mọi hình thức như thông qua cuộc họp thôn, tổ dân cư, qua hệ thống đài truyền thanh huyện và trạm phát thanh ở xã... Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện Tiên Phước đã đào tạo nghề cho 1.812 lao động, có cả nghề dài hạn và ngắn hạn. Người lao động sau học nghề được giải quyết việc làm ngay tại gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh và công ty đóng chân trên địa bàn. Có một số lao động chọn con đường đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ở các tỉnh thành trong cả nước

HOÀNG LINH

HOÀNG LINH