Hỗ trợ - vấn đề cấp thiết và lâu dài
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương của Quảng Nam thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số khu vực thực hiện phong tỏa, các tổ chức, cá nhân trên cả nước đồng tâm hướng về đội ngũ y tế, bệnh nhân và những trường hợp gặp khó khăn. Hàng nghìn phần quà, từ vật dụng thiết yếu đến thiết bị, vật tư y tế và cả thực phẩm… được chuyển đến các cơ sở y tế và các địa chỉ cần giúp đỡ.
Trước sự lan tỏa thông tin từ cơ quan thông tấn báo chí và mạng xã hội, từ nhu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch, sự hỗ trợ lan tỏa rộng dần. Sự tiếp sức nhanh chóng, kịp thời này đã góp phần tích cực và quan trọng vào việc giải quyết những nhu cầu cấp thiết, hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch của hệ thống chính trị và cơ quan chức năng.
Có thể nói, tinh thần tương thân tương ái ngày càng lan tỏa; hệ thống thông tin liên lạc ngày càng hiện đại, nhanh chóng và phủ rộng; đời sống vật chất và ý thức của cộng đồng ngày càng được nâng lên… là những yếu tố quan trọng để công tác hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn ngày càng kịp thời và hiệu quả; trở thành chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho những người, những khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn…
Tuy nhiên, để vừa huy động được tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, vừa nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể xã hội chung tay cùng hệ thống chính trị trong xử lý tình huống khẩn cấp và lâu dài thì cần nhiều biện pháp hiệu quả hơn. Trước tiên, các tổ chức trong hệ thống chính trị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác hỗ trợ giải quyết hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn cần phải hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản, nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh sự cẩn trọng cần thiết, cũng cần đặt yếu tố nhanh chóng, kịp thời lên hàng đầu; đừng để khi cần kíp thì không có, sau đó thì lại thừa. Cùng với đó là phải công khai, minh bạch, công bằng và sử dụng hiệu quả tiền, hàng hỗ trợ.
Ngoài ra cũng cần tính đến việc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện trong cộng đồng để họ thực hiện tốt hơn công việc của mình; trong đó có việc hỗ trợ xác minh độ tin cậy của các địa chỉ cần giúp đỡ; chia sẻ thông tin để điều tiết, vận chuyển hàng hỗ trợ; hay những yêu cầu về pháp lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa… để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ trong trường hợp cần thiết. Cơ quan chức năng cần theo dõi, xử lý kịp thời những trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác thiện nguyện để lừa đảo, gây mất niềm tin và trật tự xã hội. Việc giải quyết hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn… là mang tính lâu dài. Sự hỗ trợ ban đầu một cách kịp thời của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng là đáng quý và trân trọng; vấn đề còn lại là hệ thống chính trị, cơ quan chức năng có những giải pháp mang tính bền vững để bảo đảm việc hỗ trợ giải quyết căn cơ những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội…