“Cái bóng” tín dụng đen
Lại một vụ ồn ào ở vùng quê biển vì tín dụng đen. Một thanh niên vay tiền rồi “mất liên lạc” khiến nhóm anh chị phải tìm đến nhà la ó. Bà con hàng xóm được dịp xầm xì bàn tán về các trường hợp thâm nợ dai dẳng, nhất là những thanh niên sức dài vai rộng sa vào bẫy tín dụng đen.
Báo chí gần đây cũng xôn xao về các loại hình cho vay nặng lãi với nhiều vụ vỡ lở điển hình. Cái bẫy được nói nhiều là dịch vụ cho vay tiền qua app, vay tiền theo số điện thoại dán trên cột điện, hay bốc nóng... đều được nhận diện là trục lợi từ sự cùng quẫn của người dân nhưng những chế tài của pháp luật thì vẫn còn bất cập.
Diện mạo mới của vấn nạn tín dụng đen được báo chí phản ánh là có sự hợp sức của nhiều tổ chức tín dụng, công ty tài chính, thậm chí dịch vụ đòi nợ thuê... đã tạo thành hệ thống khiến người dính bẫy khó thể thoát ra.
Vì sao cái bóng của tín dụng đen vẫn bủa vây, không chỉ tồn tại ngoài xã hội mà còn len lỏi vào hệ thống ngân hàng, biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi? Một nguyên nhân đáng để tham khảo: đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhận định, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng, số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp, đây là khoảng trống để tín dụng đen tồn tại, phát triển.
Đã có nhiều đề xuất về giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, như Nhà nước và các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay; nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, ban hành các điều khoản, chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng huy động và cho vay tín dụng đen..., nhưng thực tế tình trạng tín dụng đen vẫn phát triển âm ỉ.
Đời sống của người dân đang gặp khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được xem là một phần nguyên nhân khiến mô hình tín dụng đen nở rộ. Nhưng một phần nguyên nhân khác, đó là lối sống khoe khoang hưởng thụ “quá mức cần thiết”, nhất là thanh niên cũng khiến tín dụng đen có điều kiện giăng bẫy.
Thử lướt mạng xã hội thì biết, phong trào khoe khoang có sức lan tỏa như thế nào. Cái không khí sôi nổi check-in, ăn uống tưng bừng, mua sắm hàng hiệu... của đời sống ảo trên mạng xã hội của nhiều thanh niên không phản ánh đúng sự thoải mái của đời sống vật chất hiện tại, mà có khi đó chỉ là chất liệu để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ quá mức thu nhập.
Hay như phong trào loa kẹo kéo bùng phát và trở thành nỗi bức xúc trong cộng đồng, cũng đâu phản ánh đúng sự thoải mái về đời sống tinh thần, mà có khi đó chỉ là biểu hiện về hội chứng hưng cảm của cộng đồng... Đó là một vài hiện tượng xã hội để có thể nhận biết “cái bóng” của tín dụng đen đang rình rập ở chỗ nào trong đời sống thực tại!