Tổn hữu dư...
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đưa thống kê 555 hồ chứa nước ở Trung Bộ và Tây Nguyên bị giảm trữ lượng (trong đó Quảng Nam có 12 hồ đang cạn nước), khiến hơn 50.000ha cây trồng bị thiếu nước tưới. Đời sống, sản xuất, mùa màng của hàng triệu cư dân kéo suốt từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên bị xáo trộn, bị đe dọa.
Cùng lúc, là những tin tức về lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản. Xa hơn về phía Bắc, một vùng rộng lớn miền Nam Trung Quốc đang gánh chịu sự tàn phá khủng khiếp của lũ, vì mưa lớn kéo dài hàng tháng qua.
Đọc tin tức, trong lo âu bất lực, lại suy nghĩ miên man đến câu “Thiên đạo tổn hữu dư, bổ bất túc”. Ấy là một khái quát kinh điển quen thuộc trong đời sống phương Đông. Điều đó được phát biểu trong Đạo đức kinh của Lão tử, hơn 2.500 năm trước. Theo đó, quy luật tự nhiên luôn có khuynh hướng trung hòa giữa các mặt đối lập để hướng tới trạng thái cân bằng: “Đạo trời là lấy bớt chỗ thừa mà bù cho chỗ thiếu”.
Ngay ở câu tiếp theo sự khái quát “đạo trời” như trên, Đạo đức kinh lại phê ngay một câu khác: Nhưng con người lại không chịu nghe điều ấy, họ ưa lấy chỗ thiếu thốn mà cung phụng cho chỗ thừa mứa. Hiện tượng “nhân tạo” này ông bà mình cũng từng cảm thán bằng câu: Kẻ ăn không hết người lần không ra.
Như vậy là những tai ương xảy ra trên cõi đất này, thường có phần trách nhiệm của chính… con người. Vì con người muốn nô dịch chứ không chịu hòa giải với tự nhiên.
Nhắc những điều “tầm chương trích cú” nghe có vẻ lạc thời? Nhưng, luôn luôn có chỗ cho một chữ “nhưng” đó, là con người không thể sống như một lát cắt chơ vơ giữa càn khôn và lịch sử. Đời sống của chúng ta là một hỗn hợp kinh nghiệm và trách nhiệm. Và nói như một câu kinh điển khác, chúng ta là “tổng hòa các quan hệ xã hội”. Dù là trong quan hệ với tự nhiên hay giữa người với người, sự ràng buộc vẫn là đòi hỏi dung hòa và chiết trung như vậy.
Tại sao câu chuyện những hồ chứa hụt nước và lũ lụt đây kia lại dắt dây đến những suy tưởng xa xôi như vậy? Ấy là bởi ngay trong thời điểm tất cả hiện tượng đang diễn biến đó không có phương cách gì để vãn hồi nữa. Mặc dù sẽ có những giải pháp “kỹ thuật” để sửa chữa, để ngăn chặn sự ảnh hưởng không mong muốn… thì đó vẫn là những giải pháp đối phó nhất thời mà thôi. Điều căn bản là mỗi hành động, mỗi sự can thiệp vào tự nhiên, vẫn cần một nhận thức rộng mở làm nền tảng.
Không còn là chuyện nắn dòng chảy một con sông, xây một con đập, chặt một cái cây, đốn một khu rừng… chỉ là sự tác động lên những đối tượng cụ thể. Hệ sinh thái tự nhiên của trái đất đã bị tổn thương đến mức mong manh hết sức rồi, vì những hành vi cục bộ của loài người. Đó, không còn là chuyện của riêng ai nữa. Chưa bao giờ con người cần liên kết nhau hơn bây giờ, trong một nhận thức ở tầm triết học, chứ không chỉ là những giao dịch kinh doanh.