Mệt với sách

NGUYỄN ĐỨC 02/07/2020 09:26

Nào là học sinh sẽ được giảm thời lượng học, tăng thời gian nghỉ hè; Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình… Đó là thông tin được những người có trách nhiệm của bộ chủ quản đưa ra vào những ngày này, khi học sinh các cấp vào chặng nước rút thi cử cuối năm học. Cũng chừng đó viễn cảnh, năm nào cũng thấy mơ. Học trò vẫn mang đủ ách từ nhồi nhét kiến thức đến kiểm tra, thi cử đủ kiểu.

Như nháo nhào tìm sách những ngày này. Đã đủ mệt.

Đó là sách lớp 1 cho năm học 2020 - 2021. Ra nhà sách mua, người bán hỏi học trường nào, rồi đi lục bộ sách của trường đó, dò từng cuốn theo tên tác giả, nhà xuất bản. Nhưng sách in vẫn chưa đủ. Năm học trước, bộ sách lớp 1 tầm 300 nghìn đồng, năm nay là gần 500 nghìn đồng. Trừ các gia đình có hộ khẩu chắc chắn 100% vào trường nào đó, thì nhiều phụ huynh chưa dám mua vì phải chờ con mình được tuyển sinh vào trường nào. Hơn nữa, với nhiều người, đó là số tiền rất lớn.

Phụ huynh khổ. Học sinh lứa này khổ vì “lội nước đi trước” nếu không muốn nói là lứa thí nghiệm cho phương án mỗi trường một kiểu sách giáo khoa (SGK). Thì không thành công cũng thành… học sinh thôi. Người bán sách cũng kêu trời vì cứ rối tung cả lên trường này qua trường khác không trùng nhau ở sách này, khác nhau ở sách khác.

Giáo viên càng khổ. Thử đọc thông tin mà báo Infornet dẫn lời TS.Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT): “Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia tập huấn nhưng không qua được bài test của nhà xuất bản thì không được bố trí tham gia giảng dạy lớp 1 năm nay”. Ơ hay, vậy giáo viên thêm một tròng vào cổ mà chất lượng giảng dạy cho thế hệ học trò sinh năm 2014 lại bị phụ thuộc trước tiên vào bài test của nhà xuất bản ư?

Việc chọn SGK lớp 1 theo chương trình SGK giáo dục phổ thông mới để áp dụng từ năm học 2020 – 2021 này, vốn đã có nhiều rắc rối, lắm băn khoăn ngay từ đầu. (Thôi cũng ráng chấp nhận đi, vì cái mới bao giờ cũng khác lạ, gây sốc và vấp phải nhiều thứ ngán đường).

Hai tiêu chí mà bộ chủ quản đưa ra để lựa chọn SGK là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Nhưng đến bây giờ, khi các nhà in đã đưa sách ra thị trường, thì người ta vẫn còn đòi đi kiểm tra địa phương chọn sách giáo khoa bất thường, vẫn kêu đòi minh bạch, công khai trong lựa chọn SGK. Một sự phi lý đến mức không hiểu được.

Há chúng ta vẫn hay than vãn “đồng phục” trong giảng dạy, đào tạo là gì! Thì bây giờ, mỗi nơi một kiểu sách, chẳng phải muôn sắc màu như tham vọng của chúng ta. Còn đòi hỏi được gì hơn. Chính chúng ta bức xúc mỗi ngày vì muôn trùng thứ của hệ thống giáo dục, nhưng chúng ta cứ coi như mình vô can, thì đành phải chịu thôi. Trừ phi không phải chúng ta bày tỏ chính kiến để cho thiên hạ biết cá tính mạnh gì gì đó, rồi thôi, mà bằng thái độ sống, là để thay đổi được điều gì…

NGUYỄN ĐỨC