Tiết giảm và gia tăng
Đọc tin Báo Quảng Nam giảm trang các ấn phẩm nhật báo và tuần báo, nghe có phần hụt hẫng.
Lâu nay vẫn biết, báo in ngày càng khó khăn trong xu hướng truyền thông phát triển qua internet, smartphone. Các tờ báo lớn lượng phát hành khủng cũng đã giảm bản nhiều năm qua, huống là một tờ báo địa phương như Quảng Nam. Nhưng cái hụt hẫng vẫn xuất hiện, như một phản xạ “tình cảm”.
Giảm trang, giảm mục, tất giảm khối lượng thông tin. Chỉ nói ở khía cạnh kỹ thuật báo chí thôi đã thấy khó. Trong khi thời sự xung quanh luôn phát sinh nhiều hơn những sự kiện mới, đủ thể loại đủ lĩnh vực, thì trang báo phải co ngắn lại. Nhưng sự đã như thế, vui buồn gì cũng không thay đổi được. Hãy thử dịch chuyển góc nhìn một chút. “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” mà, câu “chicken soup” thông dụng cũng có khi đem ra dùng được chứ không trừu tượng kiểu chép miệng làm dáng.
Cái bất lợi của báo in đến từ sức ép của “thế giới mạng”. Cái đa dạng và thác lũ thông tin cập nhật, cũng xuất phát từ sự kết nối nhanh lẹ của “thế giới mạng”. Sự phát triển công nghệ truyền thông đã ép những trang báo in từ hai phía ngặt nghèo như vậy đó. Tuy nhiên, không thể quan niệm được có ngày những tờ báo in sẽ hoàn toàn biến mất. Vì văn hóa, tập quán xã hội, điều kiện tiếp cận của độc giả, thậm chí cả ý nghĩa biểu trưng của một loại hình truyền thông… sẽ không cho phép sự “cáo chung” đó xảy ra. Và sự thích nghi, lúc này hay lúc khác, chính là vấn đề cuối cùng những tờ báo in phải đối diện, và giải quyết nó cách sao cho dứt điểm. Để còn dài rộng ra mà tiếp tục “phát huy, phát triển” nữa chớ.
Thì đó là vấn đề chất lượng. Vấn đề “thay đổi lề lối… viết”. Hình như người ta đã từng nghiên cứu và biết được một người dùng internet dành bao nhiêu thời gian để lướt qua một đầu tin trên mạng, biết được đa số độc giả ưa thích những bài viết có độ dài hạn định bao nhiêu chữ, vv… Đại khái, trên thế giới bao la phong phú của Net, sự cạnh tranh thông tin cũng khốc liệt lắm. Và chắc chắn trong cái rừng thông tin đó, rất nhiều thứ đã bị bỏ qua, biến thành “rác thông tin”. Cuối cùng, dù có bao nhiêu thông tin thì sự “đóng góp” cũng luôn dừng ở mức độ có thể “tiêu hóa” của từng độc giả.
Điều đó, liệu có thể khiến cho một trang báo in trở nên tự tin hơn, có là một gợi ý cho người làm báo in? Rằng làm sao để mỗi dòng mỗi cột trên trang báo của mình thuần là “dưỡng chất thông tin”, kiểu như thực phẩm của phi hành gia vậy. Sao cho không một chữ một mục nào là vô ích, không phải trở thành “rác” trong mắt độc giả?
Người ta có câu chuyện về “ba phút sự thật”. Sự thật, thực ra cũng không phải thứ dài dòng to tát gì, có thể được trình bày trong vòng ba phút ấy thôi mà. Và tìm cách nói được sự thật trong chừng giới hạn đó, mới là sự khác biệt.
Báo chí, là để nói sự thật. Độc giả có thể kỳ vọng vào người làm Báo Quảng Nam ở khía cạnh này phải không?