Không thể bỏ mặc

THÁI MỸ 25/06/2020 06:32

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay ở nước ta có hơn 14,7 triệu   người tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và các loại bảo hiểm khác với tổng số dư của quỹ hơn 728.000  tỷ đồng. Số tiền này đang được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho vay, gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước để sinh lợi. 

Tuy nhiên các khoản còn chậm đóng và nợ BHXH ước tính tới 10.100 tỷ đồng. Trong tổng số nợ đó có chừng hơn 2.000 tỷ đồng khó thu do doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, bỏ trốn. Rõ ràng “con nợ” khổng lồ này đang rình rập, đe dọa đến tính bền vững của quỹ BHXH cũng như xâm hại đến lợi ích người lao động.

Tuy Luật BHXH nghiêm cấm các hành vi trốn, chậm nộp, chiếm dụng tiền BHXH và các loại bảo hiểm khác, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền chưa đóng, chậm đóng, kể cả lãi suất của khoản tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Mặc dù quy định như vậy nhưng lâu nay, ngành BHXH lại rất vất vả trong việc thu nợ BHXH, bởi chức năng họ có nhưng quyền lực lại còn nhiều hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2016 trao quyền chức năng thanh tra cũng như một số chế tài cho ngành BHXH để kiểm soát chặt chẽ hơn việc các doanh nghiệp đóng BHXH và các loại bảo hiểm khác cho người lao động cũng như xử phạt hành chính các đơn vị vi phạm. Từ đó, nghĩa vụ các doanh nghiệp có trách nhiệm phải đóng BHXH có sự chuyển biến hơn, quyền lợi người lao động được tôn trọng, song vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, dây dưa, trốn tránh trách nhiệm.

Việc giao sổ BHXH cho người lao động trực tiếp quản lý thay vì chủ sử dụng lao động nắm giữ như trước đây nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động là một bước chuyển mới. Họ nắm giữ sổ không chỉ biết rõ được các thông tin về quá trình tham gia BHXH của bản thân mình mà còn chủ động trong việc thực hiện các chế độ, chính sách theo luật định nhưng lại bị doanh nghiệp nợ BHXH thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Công tác thu hồi nợ BHXH và các loại bảo hiểm khác chắc có lẽ cũng cần sử dụng tới các giải pháp mạnh mẽ hơn mới có thể giữ vững sự ổn định quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. “Cháo nóng húp quanh, nợ trả dần”, câu thành ngữ này rất đáng để các doanh nghiệp còn nợ đóng BHXH cho người lao động suy ngẫm, bởi đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức về sự tồn tại của mình, doanh nghiệp phải có lộ trình tháo gỡ từng bước cũng là điều dễ hiểu, song việc trả nợ BHXH và các khoản bảo hiểm khác đang sờ sờ trước mắt là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện chứ không thể phớt lờ, bỏ mặc.

THÁI MỸ