Đi như thế nào vào cuộc sống?
Ngày nào mở trang báo ra cũng đọc thấy ít nhiều câu chuyện lúng túng quanh gói hỗ trợ 62.000 tỷ. Hôm qua 22.6, báo Tuổi Trẻ đưa “sẽ sửa điều kiện nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ”.
Hẳn ai cũng biết đó là gói gì. Nhưng để nói năng có đầu có đũa, có lẽ nên nhắc lại một chút: ấy là gói hỗ trợ Chính phủ dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng trong đợt cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19, bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động mất việc, người nghèo, gia đình chính sách…
Mục đích hỗ trợ là giúp “ổn định cuộc sống” vì giảm thu nhập, ngừng sản xuất kinh doanh trong những tháng cao trào của đại dịch. Vậy nhưng đến nay, “trạng thái bình thường mới” đã lập lại rồi, các khoản giải ngân vẫn còn đang loay hoay tìm đường đến với các đối tượng cần hỗ trợ. Các điều khoản triển khai vẫn cần được sửa đổi cập nhật.
Diễn biến ấy làm nổi lên một vấn đề gần như là “kinh niên” trong vận hành hệ thống hành chính và chính sách. Đó là độ trễ của một chính sách khi bước từ văn bản ra đời sống thực của xã hội.
Tất nhiên, các vấn đề bày ra trong đời sống thì muôn màu muôn dạng, các chính sách cũng vậy. Nhưng xét trên khía cạnh thời sự thì vẫn là hai điều: hoãn và cấp. Có việc cần thư thả mà làm, với lộ trình, quy trình chuẩn chỉ, lớp lang. Lại có những việc khẩn cấp, phải làm ngay, làm nhanh gọn, và cần có một quy chế đặc biệt cho trường hợp khẩn cấp ấy. Chẳng hạn như việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam, xây dựng đặc khu kinh tế… phải khác với việc cứu trợ người đói, ứng phó ô nhiễm môi trường, khắc phục thiên tai…
Và để ứng phó được chu toàn các tình huống gọi là hoãn – cấp ấy, thiết nghĩ không gì cần thiết hơn là xây dựng được những trạng thái phục vụ khác nhau trong đội ngũ vận hành chính sách. Các quy chế, quy trình thường được đưa ra để hướng dẫn thực hiện một chủ trương, một kế hoạch, xưa nay vẫn được xây dựng, được truyền đạt theo tầng lớp, phân cấp đầy đủ. Chỉ khác là trong sự thừa hành, người ta không được cài đặt trạng thái thích hợp, nên hầu như chỉ có một kiểu ứng xử đều đặn khuôn sáo, vốn là đặc tính muôn đời của môi trường quan liêu.
Nhìn lại sự vận hành của nền hành chính nước ta trước nay, sẽ thấy rằng sự trì trệ không đúng lúc ấy luôn là nút thắt cổ chai khiến cho chính sách cập nhật vào đời sống một cách khó khăn, bất chấp những thành quả rất đáng ghi nhận của công cuộc cải cách hành chính trong nhiều năm qua. Phải nói là việc cải cách hành chính đã làm thay đổi hẳn bộ mặt giao tiếp quan liêu, trở nên thân thiện hơn, tiện nghi hơn rất nhiều trong mắt nhìn của xã hội. Các phương tiện công nghệ thông tin cung cấp cho việc giao tiếp hành chính cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi. Đó hẳn là cơ sở đầu tiên để nhắm đến xây dựng một thời đại 4.0 như các vị lãnh đạo thường nhắc nhở. Sự chuyển biến ấy cần thêm một thao tác “thiết lập trạng thái” để phát huy hiệu quả.
Vì vậy, những đơn cử như gói 62.000 tỷ, không phải là một trường hợp riêng lẻ. Nó gợi ý một cách tiếp cận khác, thuộc về triết lý trong nền hành chính công chứ không phải cho một cơ quan, bộ ngành trách nhiệm nào.