Bỏ rơi!

HÀ QUANG 12/06/2020 06:25

Đó là tình cảnh đau lòng của nhiều trẻ em trong các vụ việc xảy ra mấy ngày qua. Không chỉ là nỗi đau, tình huống trong các vụ việc trên còn khiến nhiều người kinh ngạc mà thốt lên sau khi đọc các bản tin: “Tôi đang đọc gì thế này!”.

Một cháu bé 5 tuổi ở Nghệ An bị trói, bịt miệng và bỏ rơi đến tử vong trong căn nhà hoang, do đối tượng nghiện game muốn thực hiện tình huống “giả định”; một trẻ sơ sinh bị bỏ xuống hố ga giữa trời nắng nóng hơn 40 độ C; hay một học sinh tiểu học lại bị nhốt trên xe đưa đón khi em này ngủ quên... Đây là những sự việc “không thể chấp nhận được” trong tâm trạng chung của cộng đồng và cả cơ quan chức năng. Các tình huống đó dù được nhận định đang là hiện tượng xã hội nhưng thật khó hình dung nổi bởi tính chất bạo lực, phi nhân tính đến kỳ quái và cả sự tắc trách đã trở thành thói quen không thể chấp nhận được. Nhiều người còn nói bây giờ chuyện gì cũng có thể xảy ra, tình huống còn khó ngờ, phong phú hơn cả sức tưởng tượng...

Tình huống thì khó lường nhưng hiện tượng xã hội thì sao, có thể ngăn chặn, hạn chế được không? Ví dụ hiện tượng bỏ rơi trẻ em, ngoài cái ác thuộc về bản năng thì môi trường xã hội có phải là nguyên nhân đưa đẩy con người đến hành vi này? Câu trả lời của các nhà tâm lý học là có và đáng báo động bởi xu hướng ngày càng xấu đi. Trong đó, kết cấu xã hội và môi trường sống của cộng đồng dần rạn nứt, hành vi của con người trở nên manh động, quyết liệt hơn bởi áp lực của điều kiện sống. Con người có vẻ đang thong thả trong sự “túng quẫn” với nhu cầu của mình, trong khi môi trường xã hội giờ đây không còn thuận lợi nữa. Nói vậy nghe có vẻ lý thuyết, nhưng nếu để ý quan sát từ cuộc sống, cũng không khó hình dung!

Môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách của con người, đặc biệt là trẻ em. Đó không chỉ là kết quả nghiên cứu xã hội, mà đã trở thành “bài học” của rất nhiều người. Nhưng biên độ của môi trường xã hội thì quá rộng, khó có thể thực hiện hết các giải pháp để cải thiện trong thời gian ngắn, đặc biệt là để tiết chế các hiện tượng xã hội gây hại cho đời sống cộng đồng. Hãy bắt đầu từ môi trường sinh hoạt trong từng gia đình và cộng đồng dân cư. Thực tế, nhiều trẻ em bây giờ nghiện game, nghiện chương trình tự sản xuất trên tivi với những tình huống bạo lực đến mức nhiều bậc cha mẹ phải chấp nhận như không còn cách lựa chọn nào. Rồi nhiều trẻ vị thành niên hư hỏng, cha mẹ gần như bỏ mặc muốn ra sao thì ra. Thậm chí các trường hợp nghiện ngập ma túy, thường xuyên vi phạm pháp luật vẫn lởn vởn như bóng tối ám ảnh... Đây cũng là những kiểu “bỏ rơi” đáng báo động!

HÀ QUANG