Giữ mạch nước ngầm

H.N 02/06/2020 13:32

Không trầm trọng như ở Ninh Thuận, nhưng nhiều vùng của Quảng Nam đang thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Nguyên nhân biến đổi khí hậu luôn được nhắc đến hàng đầu. Nhưng liệu có phải thỏa đáng chưa, hay chính con người, với tham vọng làm chủ thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu của mình mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Phá rừng ngăn núi xây thủy điện. Phá rừng để trồng rừng. Rất rất nhiều diện tích rừng nguyên sinh bị mất đi hoặc được thay thế bằng diện tích trồng cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều, chuối, và đặc biệt là trồng keo lấy gỗ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc gia tăng diện tích rừng sản xuất, diện tích cây công nghiệp đã đẩy Việt Nam vào hoàn cảnh khủng hoảng nước hiện tại và tương lai. Nhưng nhìn vào các bản quy hoạch rừng, vẫn thấy dường như cứ đi mãi theo lối này. Cơn khát triền miên mỗi khi mùa khô đến ở Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có nguyên nhân từ đó, mà “tiêu bản” đồng khô cỏ cháy ở Ninh Thuận là một minh chứng.

Theo một chuyên gia về biến đổi khí hậu, chính việc gia tăng các loại rừng trồng cây công nghiệp đã trực tiếp biến các rừng hỗn giao (nhiều loại cây xen nhau trên cùng một diện tích) thành rừng thuần chủng. Rừng thuần chủng/công nghiệp không có chức năng giữ nước và điều hòa khí hậu. Các loại cây ở rừng này luôn cần rất nhiều nước. Chúng làm tụt mạch nước ngầm, hoặc mất đi vĩnh viễn mạch nước ngầm vì con người phải khoan giếng để lấy nước tưới cho chúng.

Tại Quảng Nam, trong quy hoạch đất lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, rừng phòng hộ giảm hơn 11.000ha và rừng sản xuất tăng hơn 15.000ha. Dẫu tín hiệu tốt là đến năm 2019, Quảng Nam có độ che phủ rừng đạt 59,34%, xếp thứ 3 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhưng chừng đó là chưa đủ và nếu độ che phủ này đem lại chủ yếu từ các loại cây rừng công nghiệp thì sẽ đáng lo với viễn cảnh các huyện miền núi sẽ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Cần phải tăng mạnh hơn nữa loại rừng hỗn giao vì cho hiệu quả thu nhập cao hơn (nếu tính về kinh tế rừng để bà con miền núi sống được nhờ rừng). Loại rừng này cũng bảo vệ đất tốt hơn, giữ được nguồn nước ngầm hơn nhờ độ che phủ dưới tán rừng dày làm tăng độ phì nhiêu của đất. Rừng thuần cây nguyên liệu chu kỳ ngắn, độ khép tán mỏng, khả năng giữ đất, giữ nước thấp. Đó là chưa nói tới một số loại cây nguyên liệu còn làm đất xấu đi. Tại các cánh rừng cao su hay keo, khi đứng dưới,  bao giờ cũng thấy ngột ngạt và khó chịu hơn rừng tự nhiên.

Trong cơn khốn khó vì xoay xở với nguồn nước, lại càng lo hơn khi mùa khô này, Quảng Nam là 1 trong 20 địa phương mà Tổng cục Lâm nghiệp xác định là vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng.

Rừng – nhìn ở góc độ giữ cho được mạch nước ngầm, giữ cho được những thảm cỏ, thảm lá mục, thảm dây leo dây bụi sẽ giúp con người hạn chế những cơn khát từ nguồn xuống biển. Nhận biết và tạo ra sự giao tiếp bình đẳng giữa con người với thiên nhiên, hòa thuận với thiên nhiên chứ không phải mang tâm thế kẻ thống trị, đứng trên cao nhìn xuống và dùng vũ lực can thiệp vào thiên nhiên. Nếu cứ như vậy, con người sẽ bế tắc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và câu hỏi chúng ta khát đến bao giờ sẽ không thể trả lời.

H.N