Bóng mây đen trên đầu trẻ
Chuyện một người cha (trú tại xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn) nhậu xỉn, nửa đêm đánh vợ đánh con dẫn đến cái chết của đứa con mới 7 tháng tuổi sẽ đè nặng bất cứ ai đọc tin. Hổ dữ còn không ăn thịt con. Nhiều người đã cảm thán như vậy.
Chuyện gì, ẩn ức nào, khốn cùng nào hay tâm địa nào được sắp đặt đã đẩy người cha vào việc giết người này? Hay cơn điên bộc phát sẵn có trong con người mà chuyện áo cơm hằng ngày xô đẩy, trong nhân cách lệch lạc thụ hưởng bởi sự giáo dục khiếm khuyết?
Câu hỏi vì sao gây oan nghiệt sẽ phần nào được trả lời bởi quá trình điều tra nhưng sẽ không bao giờ giải đáp đầy đủ khi người cha đó đối diện với chính mình. Việc phân tích tâm lý tội phạm rồi sẽ tiếp tục được thực hiện bởi các chuyên gia, để có đường hướng ngăn ngừa những thảm kịch tương tự.
Đáng tiếc là chuyện bạo lực gia đình dẫn đến giết người đã không còn là chuyện hiếm. Đó là điều đau xót nhất. Bi kịch gia đình, bi kịch xã hội mà hậu quả đổ lên đầu con trẻ. Thử nhìn lại vài con số đưa ra trong những năm gần đây.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý là 7.211 trẻ; giai đoạn 2015 - 2018 là 7.309 trẻ; 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tạm tính, trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Sự gia tăng đột biến này được các cơ quan hữu trách đánh giá rằng, một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn.
Ngoài con số thống kê về trẻ em bị xâm hại, thì giai đoạn 2015 - 2019 có 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn. Trẻ bị bỏ rơi hầu hết là trẻ sơ sinh do người mẹ quan hệ tình dục trước hôn nhân, sinh con ngoài ý muốn, nhưng không thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Hàng trăm ngàn đứa trẻ đó, là nhiều hơn hàng trăm ngàn câu chuyện đau xót của những thân phận người lớn lên với ám ảnh khoảng trống trong tâm hồn. Và sẽ lại là căn nguyên của những bi kịch tiếp nối bi kịch. Ai cũng biết việc giải quyết cơ bản vấn đề bỏ rơi, bỏ mặc, trẻ bị xâm hại cần có nhiều giải pháp về kinh tế, xã hội, kết hợp với truyền thông, giáo dục trách nhiệm. Nhưng rõ ràng, những nỗ lực hiện nay, kết quả đem lại còn quá hạn chế.
Quảng Nam là một trong 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện điều chỉnh mở rộng đối tượng hưởng chính sách và nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng cho em có hoàn cảnh đặc biệt cao hơn mức quy định của Chính phủ (theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP). Đó là một cố gắng của chính quyền tỉnh trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Nhưng, cũng như trên cả nước, mỗi ngày chúng ta vẫn chưa thể nào ngăn tấn thảm kịch ẩn mình ở đâu đó. Để rồi những con số trong báo cáo về vấn đề liên quan đến trẻ em mỗi ngày một tăng trong nỗi day dứt chưa biết khi nào nguôi.