Va chạm... thực tế

HÀ QUANG 20/05/2020 10:39

Mấy ngày qua người dân nháo nhào tìm mua bảo hiểm xe máy. Loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự này là quy định bắt buộc đối với chủ phương tiện nên người tham gia giao thông phải xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra, nếu không có sẽ bị tuýt còi xử phạt.

 Nhiều vụ vi phạm lỗi này bị xử phạt kiên quyết trong đợt ra quân tổng kiểm soát trật tự an toàn giao thông nên chủ phương tiện không thể “chủ quan” được nữa. Ào ạt tìm mua trong đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông, cho thấy tâm lý chung của người mua bảo hiểm là để đối phó chứ ít người nghĩ đến quyền lợi, trách nhiệm của mình. Tâm lý đó một phần xuất phát từ thực tế: nạn nhân của nhiều vụ va chạm xe máy thường “bỏ qua” quyền lợi của mình.

Theo quy định, mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy là 66 nghìn đồng (theo Thông tư 22 của Bộ Tài chính), nếu xảy ra tai nạn chủ phương sẽ được bồi thường mức tối đa là 100 triệu đồng/vụ và 50 triệu đồng/tài sản. Gắn với bảo hiểm dân sự, thường người dân phải mua bảo hiểm ghế ngồi trên xe máy (20 nghìn đồng/2 ghế), mức tối đa bồi thường là 10 triệu đồng/người.

Để nhận được bồi thường bảo hiểm dân sự, bắt buộc phải có biên bản hiện trường và được lực lượng chức năng phân lỗi. Thủ tục nhận bồi thường được các cơ quan bảo hiểm cho là đơn giản, nhưng thực tế rất ít người thực hiện sau khi xảy ra tai nạn mà tự thỏa thuận và khắc phục thiệt hại. Nguyên nhân chính của tình trạng này là tâm lý ngại “va chạm” với thủ tục pháp lý của người dân sau khi hoảng hồn vì va chạm giao thông. Trong khi đó, mức chiết khấu của nhiều cơ quan bảo hiểm đưa ra tương đối cao dành cho người bán, một phần cũng cho thấy loại dịch vụ bảo hiểm này vẫn “sống khỏe” dù tai nạn xe máy ở nước ta nằm trong top đầu khu vực.

Cũng vì số vụ tai nạn giao thông do xe máy của nước ta thuộc top đầu khu vực nên các nhà quản lý xã hội đề xuất loại phương tiện này phải bật đèn vào ban ngày để dễ phát hiện. Đề xuất này được cho là nghiên cứu từ nước ngoài, có cơ sở khoa học nhưng khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã làm không ít người ngạc nhiên.

Trong diễn đàn thảo luận với chủ đề “Quy định xe máy bật đèn 24/24h có phù hợp ở Việt Nam?” do Báo VietNamNet mở ra, đã ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng quy định bật đèn xe máy 24/24h không phù hợp ở Việt Nam. Một bạn đọc lo ngại, nước ta đường sá chật chội, thời tiết nắng nóng, xe máy đông như kiến vỡ tổ, khỏi cần bật đèn cả ngày cũng nhận diện được. Hơn nữa do ý thức chấp hành luật giao thông của người Việt Nam chưa cao nên nếu bật đèn nhận diện thì càng gây mất trật tự, càng xảy ra cãi vả khi xảy ra va chạm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là lý do đặc thù của tình hình giao thông nước ta mà không một ai muốn tự hào. Tính đặc thù đó, đôi lúc còn làm khó cho ngành chức năng trong quá trình tìm biện pháp quản lý, mà điều dễ thấy là không ít quy định vừa va chạm thực tế đã bị “tuýt còi”.

HÀ QUANG