Hòa giải với trái đất
Vừa đọc trên báo Zing, bản tin rằng các nhà khoa học New Zealand lại vừa phát hiện thêm một “siêu trái đất”. Đó là cách người ta gọi các hành tinh ở rất xa ngoài hệ mặt trời, có một số đặc điểm tương đồng với Trái đất. Mới biết là lâu nay người ta đã luôn tìm kiếm một hành tinh mà con người có thể sinh sống trên đó, để vạn nhất khi Trái đất không còn ở được, loài người sẽ có chỗ mà di cư tới.
Ngay bây giờ, cái ý tưởng đó nghe ra viển vông quá đỗi. Nhưng ai mà biết được. Chẳng phải có rất nhiều thứ hôm nay chúng ta coi là thường quá, thì cách đây không lâu từng được xếp vào mục viễn tưởng hay sao? Cái viễn cảnh một hôm nào đó con cháu chúng ta bước lên tàu vũ trụ mà bay cùng vận tốc ánh sáng, xuyên qua những nếp gấp không gian, du hành vào những thế giới song song, đáp lên một bờ cõi địa đàng nào đó còn trinh nguyên như Trái đất vài mươi ngàn năm trước… Nghe ra cũng thú vị lắm chứ!
Nhắc tới ngàn năm trước, lại nghĩ đến loài người thuở sơ khai. Sau cái đoạn thơ ngây thờ lạy bao nhiêu là thần linh, từ trời trăng sấm sét cho đến gốc cây cục đá…, con người đã bắt đầu “tư tưởng”. Chính sự tư tưởng đã dẫn con người vào tôn giáo, triết học, rồi hướng ra thế giới bên ngoài mà khai sinh các khoa học. Đó là những căn bản gây dựng nên những nền văn minh cổ kim của nhân loại.
Thế rồi người ta đã thấy khoa học có thể đưa con người tiến xa đến đâu trong sự tìm kiếm thế giới bên ngoài. Nhưng có lẽ vì mải sung sướng, hãnh diện với thành tích chinh phục thế giới, mà con người trở nên thiếu tế nhị, đã ra tay quá “sát ván” với mặt đất và bầu trời – cái nôi dung dưỡng mình, gợi mở cho mình bao nhiêu điều hay ho thú vị? Và còn coi nhẹ một hướng tìm kiếm khác, về bên trong mình.
Ở vào nội giới, người ta cũng từng nhận ra cả vũ trụ vi tế, sâu thẳm, cũng đầy thách thức để khám phá và nhận hiểu. Tuy nhiên mấy ngàn năm “tư tưởng”, con người vẫn chưa tiến bộ được bao nhiêu so với cái đà vũ bão của khoa học. Nói không ngoa, con người giờ đây có thể thuyết trình về mọi thứ trên Trái đất còn lưu loát hơn về cái “ngã” của chính mình. Có phải vì tò mò, háo hức với “ngoại cảnh khoa học” mà đi xa quá, lạc mất ngôi nhà “nội tâm” của mình không?
Trái đất này, hiện tại, dù đã tàn tạ quá nhiều vì kiệt tận tài nguyên, hỗn độn với ô nhiễm, và lấp lửng những thảm họa triều dâng, sóng nhiệt… Có lẽ vẫn còn đủ chỗ, còn đủ thời gian cho con người khởi đầu một sự hòa giải. Hòa giải với chính mình, để cân bằng giữa tâm lý và hành động. Hòa giải với Trái đất, để kéo dài thọ mạng của một hành tinh kỳ diệu mà mình biết rõ và thọ ơn chứ không phải như những phỏng đoán về “một vài điều kiện tương đồng” đâu đó trong vũ trụ kia. Rồi cho dù ngay ngày mai có thể bước lên tàu mà bay đi, thì đặt chân lên một vùng quê mới, con người với sự trưởng thành nội tâm có thể tránh được một nguy cơ lại phải nơm nớp về cuộc di cư mới.
Mà có lẽ tốt hơn là sự hòa giải đó kịp chữa trị cho Trái đất của mình lành lặn tươi tốt trở lại, rồi khỏi phải lo chạy đi đâu. Trái đất ta ta ở, phận lưu vong ngụ cư, nào có hay ho gì!