Xe buýt liền kề
Tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Huế chọn đúng ngày đầu năm mới dương lịch 2020 để khai trương, thay thế cho tuyến vận tải cố định liên tỉnh trước đó. Tuyến xe buýt liên tỉnh này được ghi nhận về chất lượng phương tiện với loại xe tiêu chuẩn K29, đời xe tối thiểu từ năm 2015 trở lên; lại có lắp đặt camera trên xe và thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn, nghiên cứu sử dụng ứng dụng (App) dùng chung…
Đương nhiên, với hơn 5 tháng “tuổi”, tuyến buýt liền kề Đà Nẵng – Huế không thể có lịch sử lưu thông, phục vụ và cả tình hình… hứng chịu thị phi nếu so sánh với tuyến buýt liền kề Đà Nẵng – Quảng Nam. Hình ảnh xe buýt chạy từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ (và ngược lại) giai đoạn sau ngày tái lập tỉnh năm 1997 đã trở nên quá quen thuộc với hành khách xứ Quảng. Theo thời gian, số lượng tuyến cố định nhiều thêm, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, hành khách đông hơn, và nói một cách công bằng thì chất lượng phương tiện có một số thay đổi.
Nhưng nếu tương quan với các loại hình vận tải công cộng khác và nhu cầu ngày càng cao của hành khách, rõ ràng tuyến buýt Đà Nẵng – Quảng Nam chưa đáp ứng kỳ vọng. Thật khó để thỏa mãn nhu cầu hành khách, khi nhiều phương tiện chạy trên đường xuất xưởng trong giai đoạn 2003 - 2013, quá cũ kỹ. Chưa kể thêm một trở ngại khác: Lộ trình.
Năm 2013, khi chính quyền TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch xe buýt giai đoạn 2013 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030, lộ trình của 5 tuyến xe buýt liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam dự tính sẽ được (hoặc bị) điều chỉnh “đẩy” ra khỏi nội thành. Nói “được điều chỉnh”, bởi Đà Nẵng đã có 12 tuyến buýt nội thành, phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông công cộng. Ở phía ngược lại, nói “bị điều chỉnh” bởi doanh nghiệp Quảng Nam than phiền lộ trình mới sẽ không hấp dẫn hành khách, có điểm dừng cách trung tâm thành phố cả chục cây số.
Thống kê từ Sở GTVT Quảng Nam cho hay nếu không cho phép các tuyến buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng đi vào trung tâm Đà Nẵng, thì chỉ có 47% hành khách đồng ý tiếp tục sử dụng xe buýt. Tất nhiên, cũng có hơn 93% hành khách kiến nghị Đà Nẵng tiếp tục cho các tuyến buýt liền kề đi vào trung tâm thành phố kèm theo yêu cầu phải nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khác biệt về quan điểm vận hành giữa 2 địa phương khiến chủ trương điều chỉnh tuyến buýt liền kề vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Không phải vô cớ mà có ý kiến lo ngại nguy cơ tuyến xe buýt này “vỡ trận”. Một số doanh nghiệp vận tải cho hay đã dự tính đầu tư, đổi mới phương tiện để gia tăng chất lượng dịch vụ nhưng cũng đang phải “nghe ngóng” kết luận về lộ trình điều chỉnh này.
Cứ thế, có một vòng luẩn quẩn về lộ trình – chất lượng – đầu tư – phục vụ. Đôi khi hành khách đã sẵn sàng trả mức phí cao hơn để được phục vụ tốt hơn, nhưng không phải cứ muốn là được.