Khởi nghiệp, coi chừng nút thắt cổ chai

TRUNG VIỆT 13/05/2020 10:28

Anh Lê Hồng Trung (thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn, Đại Lộc) được địa phương cho là người dám nghĩ dám làm với mô hình làm ăn đáng lưu ý. Cùng với vốn vay từ xã, hỗ trợ của nhiều cơ quan đơn vị, anh bỏ ra 500 triệu đồng để nuôi heo rừng lai, gà đồi; khai phá đất đồi để lập trang trại, làm vườn, trồng rau, đóng giếng để sản xuất. Vì được nuôi chăn thả tự do, thức ăn sạch, nên đàn heo, gà của anh phát triển tốt.

Do ở quá xa, phải qua 2 con sông mới đến được xã để về huyện, nên việc vận chuyển heo gà đi bán với anh là cam go. Nhưng theo anh, đầu ra sản phẩm mới là thử thách… chết người.

Dù huyện, xã đã giới thiệu một số nhà hàng ở Đà Nẵng, nhưng mua bán vẫn trầy trật. Heo nuôi một lứa mấy chục con, hỏi có cơ sở tiêu thụ nhà hàng, quán ăn nào mua cùng một lúc như thế không? Còn lò mổ cũng không dễ, khi họ đã có mối làm ăn lâu nay rồi, mình ở mô trồi ra, xí phần sao nổi? Mỗi lần đi là một lần khó, anh phải mày mò chỗ bán, họ mua ít, nên anh chở từng con đi bán như bán dạo. Cực khôn xiết. Chạy và chạy, tìm chỗ cam kết  tiêu thụ lâu dài, khiến anh mất ăn mất ngủ.

Tôi đi các huyện miền núi, thấy rộ chuyện khởi nghiệp, hưởng ứng phong trào tạo sản phẩm chất lượng cao, giải quyết việc làm, nhưng khi hỏi nếu làm ra nhiều thì tiêu thụ ra sao, đều nhận được câu trả lời đầy đăm chiêu, rằng chưa biết tính sao.

Đây là lối đi đúng, bởi sức bật của nền kinh tế xuất phát từ những đơn vị nhỏ, nhưng như cây lẻ đứng riêng, dễ bị bão bẻ cái rụp, khi thị trường luôn như cô gái đẹp khó chịu và đỏng đảnh. Quan trọng hơn, sự hình thành một thương hiệu, nếu không có tiềm lực từ tiền bạc đến trí tuệ, tầm nhìn, thì chết non là điều được báo trước.

Giờ rà ở đâu cũng thấy khởi nghiệp. Tại đồng bằng, cơ hội tìm kiếm dễ, nhưng ở miền núi, nút thắt cổ chai hiện ra khắp nơi, từ việc quảng bá đến khoảng cách, điều kiện đi lại. Giá heo rừng của những trang trại trên núi, chắc chắn phải cao hơn thị trường, bởi chất lượng đi kèm phí vận chuyển, nhưng nếu bán cao quá thì không ai mua; không cao thì không lời.

Giải bài toán phá nút cổ chai này, chính là liên kết sản xuất, cùng đi tìm thị trường tiêu thụ. Cái này rất khó, bởi tư duy làm ăn của dân mình là mỗi người một sân, một mình ăn một mâm. Quan niệm đó, giờ đã bị bẻ gãy bởi áp lực và cơn sóng liên kết từ bên ngoài.

Tìm thị trường, nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại, tạo ra cơ hội để tìm hiểu, mời chào. Chuyện này không ai bắt buộc. Nhưng nếu nhà nước không đứng ra giúp một cách bài bản cho những thanh niên nông thôn miền núi khởi nghiệp vững vàng, làm đòn bẩy phát triển và kích thích sản xuất, thì họ sẽ dễ thất bại.

Hãy bỏ qua tư duy ông làm ông ăn đi. Bây giờ không ai đá một sân đâu. Doanh nghiệp, doanh nhân cần cơ chế, đó là chuyện của những thương hiệu lớn; còn ở nông thôn, họ có thừa cơ chế nhưng thiếu điều kiện tiếp cận thị trường. Hãy giúp họ, bởi một người mà đứng vững, thì thêm một lần niềm tin được tạo lập, rằng, khởi nghiệp không phải là phong trào tự nở tự tàn.

TRUNG VIỆT