Nghề cá có trách nhiệm
Đó không chỉ là lời kêu gọi, tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân khi khai thác thủy hải sản mà đã được đưa vào Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ đầu năm 2019). Từ nghề cá nhân dân dần chuyển sang nghề cá có trách nhiệm với nhiều quy định về ngư trường đánh bắt, loại hình ngư lưới cụ, kích cỡ thủy hải sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đánh bắt... trong luật được xem là chặt chẽ để gìn giữ ngư trường, đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển và ngăn ngừa tình trạng xâm phạm chủ quyền.
Nghề cá có trách nhiệm trước hết sẽ đánh động tâm lý ngư dân “để ý” giữ gìn ngư trường và môi trường biển. Đây là những yếu tố chính cần cho mục tiêu nghề cá bền vững nhưng lâu nay ngư dân vẫn thường xuyên vi phạm. Tình trạng xem biển là ao nhà nên khai thác triệt để rất chậm được thay đổi, khiến nguồn lợi nhanh chóng cạn kiệt.
Giờ đây, trong nhiều mẻ lưới, lẫn trong các loại tôm cá là rác thải và xác nhiều loại thực vật của hệ sinh thái biển bị tận diệt, làm không ít người lo ngại. Chính ngư dân cũng tỏ ra lo lắng cho cái “ao nhà” của mình nhưng rất khó thay đổi hành vi, hoạt động. Đó thật sự là bối cảnh bất lợi để những quy định của luật đi vào đời sống và được tuân thủ nghiêm túc.
Nghề cá có trách nhiệm còn là phương châm đối với những người ở... trên bờ. Thực tế, việc quản lý, giám sát thực hiện các quy định trong hoạt động nghề cá lâu nay vẫn rất khó khăn, bất cập. Vì thế, vai trò của lực lượng chức năng ở lĩnh vực này rất quan trọng, thể hiện trong cả việc tổ chức hoạt động quản lý và bản lĩnh, trách nhiệm với công việc.
Vụ 2 cán bộ thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Nam vừa bị khởi tố vì “giúp” ngư dân trục lợi từ chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho thấy mảng tối phía sau những quy định đối với nghề cá lâu nay rất khó kiểm soát. Ngư dân vốn thờ ơ với những thủ tục, quy định nên khoảng trống giữa cơ quan quản lý và người tuân thủ pháp luật vẫn còn mênh mông. Rất nhiều thủ tục về quản lý phương tiện và thực hiện chính sách, ngư dân đều “nhờ cậy” cán bộ. Ngay như quy định mới nhất về tàu cá từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng nảy sinh rắc rối mà nhiều ngư dân than vãn rằng, đằng nào cũng tốn chi phí dù muốn lắp đặt hay không (đối với các phương tiện chỉ dài hơn 15m một chút)...
Thực hiện Luật Thủy sản 2017 được xem là cơ hội để nghề cá phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Quy định của luật rất cụ thể, nhưng để đến được với ngư dân, tất nhiên cần thêm một bước tuyên truyền kịp thời bằng các phương pháp hiệu quả. Bởi môi trường hoạt động trên biển được xem là đặc thù, việc tuyên truyền và giám sát các hoạt động đúng quy định là không dễ dàng; trong khi thói quen hoạt động của ngư dân và cả biện pháp quản lý của ngành chức năng lâu nay vẫn rất “dập dềnh”. Vì vậy, cụm từ “nghề cá có trách nhiệm” trong luật còn có tác dụng như một slogan để đánh động trách nhiệm của người dân và cơ quan quản lý nhà nước cho mục tiêu nghề cá bền vững.